8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai quốc gia
Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia nhằm mục đích xác định cụ thể các nội dung, công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia của Bộ TN&MT.
Mới đây, Bộ TN&MT ban hành kế hoạch số 738/QĐ-BTNMT thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.
Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT đề ra 8 nhiệm vụ thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Cụ thể:
Một là, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai theo Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021.
Hai là, chỉ đạo dự báo, cảnh báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời, đủ độ tin cậy các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai liên quan đến khí tượng thủy văn, hải văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo quy định.
Ba là, cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và các loại thiên tai.
Bốn là, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo phù hợp với những thay đổi về mục tiêu cắt, giảm lũ, cấp nước cho hạ du và phát điện của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Năm là, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng chi tiết làm cơ sở xây dựng phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Sáu là, tăng cường mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn quốc gia.
Bảy là, triển khai hiệu quả Đề án “Thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là mưa, lũ theo phương thức thuê bao khai thác dữ liệu” theo Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 08/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tám là, hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia nhằm mục đích xác định cụ thể các nội dung, công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia của Bộ TN&MT.
Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện Kế hoạch đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Nhằm thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình, đề án có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai: Kế hoạch của Bộ TN&MT thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai của Bộ TN&MT thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhiệm vụ cụ thể của Chương trình là triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, trong đó tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ quan trắc, ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại, công nghệ dự báo số nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai phổ biến, đặc biệt là một số thiên tai có nguy cơ gây thiệt hại lớn như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Đồng thời, dự báo, cảnh báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời, đủ độ tin cậy các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai liên quan đến khí tượng thủy văn, hải văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo quy định.
Ngoài ra, cập nhật, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai đối với các loại hình thiên tai phổ biến; cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng chi tiết làm cơ sở xây dựng phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Hơn nữa, nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đảm bảo vận hành an toàn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khai thác hiệu quả tài nguyên nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khí tượng thủy văn, quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; xã hội hóa việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát và cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn. Hướng dẫn xây dựng, lắp đặt mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định của pháp luật khí tượng thủy văn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai phổ biến; hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới.
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những thiệt hại ngày càng tăng về con người, tài chính và môi trường, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực, đồng thời kìm hãm sự phát triển bền vững ở châu Á”.
Riêng năm 2021, các hiểm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã gây thiệt hại 35,6 tỷ USD, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người ở châu Á. Lũ lụt là nguy hiểm nhất, chiếm 75% các sự kiện thiên tai trong khu vực.
Theo thống kê, năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 1.000 trận thiên tai, với 21 trên tổng số 22 loại hình thiên tai. Thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật trên các vùng miền cả nước đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.500 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận việc thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó, điển hình có 1.057 trận thiên tai. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4,5,6).
Tại khu vực miền Trung, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất, cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ Đà Nẵng- Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn tại các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Trong đó, riêng Nghệ An, mưa rất lớn 300-500mm.