8 tháng sau khi mì ăn liền xuất sang EU bị kiểm tra dư lượng Ethylene Oxide: Đề nghị từng bước bỏ kiểm soát
Bộ Công Thương đề nghị EU cung cấp số liệu thống kê và đánh giá về việc kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide trong mặt hàng mì ăn liền xuất xứ từ Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị có ý kiến để tháo gỡ khó khăn trước việc sản phẩm mì ăn liền bị kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp với dầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định Về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Cùng với đó, Bộ đã phối hợp trong việc yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng luôn tích cực phối hợp với các bộ, ngành và chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo, các phiên họp chính thức và không chính thức về minh bạch hóa do Ủy ban SPS/ WTO tổ chức.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai thông báo các dự thảo và quy định hàng tháng về SPS của các nước thành viên WTO tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và tiếp nhận phản hồi, giải đáp, hướng dẫn đối với các nội dung có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.
“Theo đó, kể từ tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định để kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide.
Đến nay, qua hơn 8 tháng triển khai, việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mì ăn liền xuất khẩu vào EU đã và đang tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam”, cơ quan này cho biết.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị Tổ công tác của Văn phòng SPS Việt Nam trao đổi với cơ quan có liên quan, trong đó nêu những quan ngại về những khác biệt trong áp dụng quy định kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm bởi các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đồng thời, yêu cầu EU cung cấp số liệu thống kê và đánh giá về việc kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide trong mặt hàng mì ăn liền xuất xứ từ Việt Nam từ tháng 2 đến nay, làm rõ cơ sở để áp dụng, duy trì cũng như giảm thiểu biện pháp kiểm tra và yêu cầu giấy chứng nhận dư lượng Ethylene Oxide, xây dựng kế hoạch từng bước dỡ bỏ các biện pháp này.
Ethylene Oxide là hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
Đây không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô, đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella.
Hiện nay, một số quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định về việc sử dụng Ethylene Oxide trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm nhưng với sự chênh lệch rất lớn. Chẳng hạn như Mỹ và Canada quy định trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng là 7 mg/kg với Ethylene Oxide; 940 mg/kg với 2-chloroethanol. Hàn Quốc giới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg với thực phẩm cho trẻ sơ sinh…
Tại EU, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.
Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Tháng 9/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide, bảo đảm an toàn với sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn chưa ban hành.