8 thói quen đang tàn phá bộ não mà bạn không nhận ra
Theo Daniel G. Amen, bác sỹ tâm thần và nhà thần kinh học nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ, để duy trì một bộ não khỏe mạnh, bạn nên tuyệt đối tránh làm 8 điều dưới đây trong sinh hoạt hàng ngày.
Chỉ cần thực hiện một vài thay đổi đơn giản trong lối sống, bạn có thể tăng cường trí nhớ, khả năng học tập, khả năng phục hồi tinh thần và sức khỏe tổng thể của não bộ.
Daniel G. Amen, bác sỹ tâm thần và nhà thần kinh học nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ, đã cho ra mắt hàng loạt đầu sách xoay quanh não bộ và mối tương quan của bộ phận này với cuộc sống con người.
Tính đến nay, ông đã 12 lần sở hữu danh hiệu tác giả bán chạy nhất do tạp chí New York Times bình chọn là và sắp xuất bản một cuốn sách có tên “Thay đổi bộ não của bạn mỗi ngày.”
Trong các tác phẩm của mình, bác sỹ đã giới thiệu một số mà ông thường khuyên bệnh nhân áp dụng để cải thiện sức khỏe não bộ hàng ngày như tập trung giải độc tinh thần, uống nước đều đặn, tăng cường bổ sung rau xanh chứa nhiều chất xơ vào thực đơn hàng ngày, ra mồ hôi nhằm thải độc, từ bỏ rượu bia, chất kích thích...
Ngược lại, đâu là 8 điều ông tuyệt đối tránh trong sinh hoạt hàng ngày để duy trì một bộ não khỏe mạnh, có thể phát huy tối đa khả năng vốn có?
1. Sử dụng chất tẩy rửa trong không gian kín
Trong các sản phẩm chất khử mùi, tẩy rửa trên thị trường hiện đang có chứa nhóm hóa chất Phthalates. Đây là chất giúp ổn định và tăng khả năng lan tỏa hương thơm cho các sản phẩm tẩy rửa.
Tuy nhiên, Phthalates có thể bay hơi trong không khí và thâm nhập vào cơ thể con người. Chất này có thể tìm thấy trong nước rửa chén, chất tạo mùi thơm trong bếp và có cả trong nến thơm.
Các chuyên gia cho biết khi tiếp xúc với chất tẩy rửa có chứa chất Phthalates dễ gây chóng mặt, buồn nôn và ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Vì vậy, chúng ta nên hạn chế sử dụng và tiếp xúc trực tiếp với hương thơm từ chất tẩy rửa, đặc biệt là sử dụng trong không gian kín.
Giải pháp là chúng ta có thể đặt thêm cây xanh trong không gian như cách khử các chất độc hại trong không khí.
2. Tiêu thụ thực phẩm có chứa phẩm màu và chất tạo ngọt nhân tạo
Một nhóm các nhà khoa học Israel đã chỉ ra rằng khi tiêu thụ các chất tạo ngọt nhân tạo sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Hơn nữa, nếu bản thân bạn đã bị mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ dẫn tới bệnh Alzheimer còn tăng lên gấp 4 lần.
Lý do là bệnh tiểu đường khiến bạn giảm nhạy cảm với insulin, làm đường huyết tăng cao và gia tăng đáng kể nguy cơ thoái hóa não bộ.
Ngoài ra, có một phát hiện đáng ngạc nhiên rằng những người sử dụng sản phẩm chất làm ngọt nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn hẳn những người tiêu thụ đồ uống có đường thông thường.
3. Vặn volume to hết cỡ
Bạn hoàn toàn có thể làm hỏng thính giác nếu đeo tai nghe và thường xuyên mở âm lượng tối đa.
Không chỉ có vậy, mất thính giác ở người lớn tuổi còn là nguyên nhân gây ra bệnh suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và mất mô não.
Nguyên nhân là do bộ não phải làm việc với công suất gấp đôi khi vừa phải xử lý những thông tin từ môi trường bên ngoài, vừa phải lưu trữ những thông tin đang tiếp nhận từ tai nghe.
Vì vậy, bảo vệ thính giác bằng cách điều chỉnh âm lượng của tai nghe cũng là một cách tuyệt vời để não bộ hoạt động tốt hơn.
Bạn nên giảm âm lượng xuống, không lớn hơn 60% âm lượng tối đa của thiết bị và không nghe liên tục trong nhiều giờ để đôi tai được nghỉ ngơi.
4. Tự cách ly khỏi xã hội
Tự nhốt mình trong nhà, ít khi ra đường và gặp gỡ, tương tác với người khác là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng lo âu thường thấy ở người trưởng thành hiện đại.
Sự thiếu kết nối xã hội và nỗi cô đơn có liên quan đến căn bệnh trầm cảm, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn và đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức.
Một nghiên cứu vào tháng 7/2021 trên tạp chí Lão khoa của Mỹ cho thấy những người ít hoạt động xã hội mất nhiều chất xám của não hơn.
Trò chuyện trực tiếp vô cùng có lợi cho não bộ của bạn. Một nghiên cứu cho thấy trò chuyện mỗi ngày với một người khác dù chỉ 10 phút cũng có thể cải thiện trí nhớ và nhận thức.
Giao tiếp xã hội cũng hiệu quả như các hình thức vận động trí óc, kích thích tinh thần, giúp bạn hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn. Vì vậy, hãy tìm hai hoặc ba người mà bạn có thể chia sẻ bất cứ điều gì.
5. Dành quá nhiều thời gian sử dụng thiết bị điện tử
Ngày nay, đặc biệt là sau tác động của đại dịch COVID-19, cách thức làm việc và sinh hoạt của con người đang dần chuyển biến từ gặp gỡ trực tiếp sang tương tác trên các phương tiện kỹ thuật số.
Có thể thấy con người đang dành nhiều thời gian hoạt động trực tuyến hơn bao giờ hết.
Theo các chuyên gia, thời gian sử dụng màn hình quá nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trí tuệ cũng như cảm xúc, đồng thời cản trở bạn có một giấc ngủ ngon.
Đặt ra giới hạn dùng thiết bị điện tử rõ ràng nhằm ngăn ngừa phát triển thói quen gây suy giảm trí nhớ là vô cùng cần thiết.
Mục đích không phải là tránh hoàn toàn sử dụng, vì điều này không thực tế trong cuộc sống hiện đại, bạn chỉ cần lưu ý tránh để chúng chiếm quá nhiều thời gian trong cuộc sống của bạn.
6. Ăn nhiều đường
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y UCLA (Mỹ), cơ thể hấp thụ một lượng đường lớn thực sự có ảnh hưởng và làm chậm quá trình hoạt động của não, cản trở bộ nhớ.
Hơn thế, hàm lượng fructose cao có thể dẫn đến sự đề kháng insulin, trong khi insulin quy định chức năng của dây thần kinh trong não.
Nếu các tế bào não trở nên đề kháng với insulin thì khả năng suy nghĩ rõ ràng và xử lý, điều khiển suy nghĩ, cảm xúc có thể ảnh hưởng rất tiêu cực.
Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, không lạm dụng đường để điều vị, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm như bánh ngọt, trà sữa, kem,... là điều bạn nên thực hiện ngay để bảo vệ não khỏi nguy cơ bị tàn phá nặng nề.
7. Thiếu hoạt động thể chất
Trung bình người trưởng thành ngồi khoảng 5-6 tiếng mỗi ngày và thời gian ngồi trên ghế này có ảnh hưởng đến não bộ.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Plos One (Mỹ) cho thấy ngồi quá nhiều có liên quan đến những thay đổi về khả năng ghi nhớ của não.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh quét MRI để xem xét thùy thái dương trung gian (MTL), một vùng não tạo ra những ký ức mới ở những người 45-75 tuổi.
Sau đó, họ so sánh kết quả quét với số giờ trung bình mỗi ngày mà mọi người ngồi. Những người ngồi lâu nhất có vùng thùy thái dương trung gian mỏng hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, thùy thái dương trung gian mỏng đi có thể là dấu hiệu báo trước của sự suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
Tồi tệ hơn, ngay cả khi bạn hoạt động thể chất nhiều hơn, độ dày của thùy thái dương trung gian cũng không thể hồi phục do tác hại ngồi nhiều trong thời gian dài.
Người lười tập thể dục cũng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và huyết áp cao. Tất cả đều có thể dẫn đến căn bệnh Alzheimer.
Bạn nên vận động sau 15-30 phút ngồi, có thể đặt hẹn giờ liên tục trên điện thoại và thực hiện theo lời nhắc. Bạn có thể tập thể dục thường xuyên, ít nhất 3 ngày một tuần bắt đầu bằng những bài tập đơn giản.
8. Thói quen ngủ không tốt
Ngủ không đủ giấc, một vấn đề nhức nhối đối với nhiều người bận rộn, có thể là một trong những nguyên nhân gây teo não.
Khi không có một giấc ngủ lành mạnh, cách não xử lý thông tin, củng cố ký ức, tạo kết nối và loại bỏ độc tố sẽ bị ảnh hưởng.
Thiếu ngủ sẽ làm chậm quá trình suy nghĩ, làm suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung, khả năng phán đoán và ra quyết định, đồng thời cản trở quá trình học tập, theo nghiên cứu trên tạp chí Sleep.
Cải thiện thói quen ngủ của là một cách quan trọng để cải thiện sức khỏe não bộ. Ngủ ngon từ 7-8 tiếng mỗi đêm là điều kiện cần thiết để kích thích các kết nối và sự phát triển của não bộ.
Nếu thường xuyên bị trằn trọc, hãy tránh uống rượu, caffeine và sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, bạn có thể đi ngủ sớm hơn bình thường một tiếng để giảm thức khuya, cho não và cơ thể bạn thêm thời gian để ngủ đủ giấc.
Nếu thức dậy giữa đêm, bạn có thể dành thời gian thư giãn như đọc sách nhưng cần tránh xem TV, các thiết bị điện tử vì những thứ này có thể gây kích thích, khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ trở lại./.