8 tổng thanh tra liên bang Mỹ khởi kiện Tổng thống Trump vì bị sa thải 'bất hợp pháp'
Ngày 12/2, 8 tổng thanh tra thuộc các bộ ngành của Mỹ bị Tổng thống Donald Trump sa thải đã nộp đơn kiện lên Tòa án liên bang ở thủ đô Washington D.C, cáo buộc ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng sa thải họ 'bất hợp pháp' và yêu cầu được phục hồi chức vụ ngay lập tức.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51462890/082f85beb5f05cae05e1.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong đơn kiện, các tổng thanh tra thuộc 8 cơ quan quan trọng của Mỹ - bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Cựu chiến binh, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động và Cơ quan Doanh nghiệp nhỏ - khẳng định họ được bổ nhiệm đúng quy trình và yêu cầu bồi thường cho việc họ bị Tổng thống Trump và giới lãnh đạo cơ quan chủ quản sa thải "bất hợp pháp và vô lý”, không thông báo với Quốc hội.
Tám cựu quan chức trên nằm trong số 18 tổng thanh tra nhận được thông báo họ bị sa thải “do ưu tiên thay đổi”. Thông báo trên chỉ dài hai câu, được Văn phòng Nhân sự Tổng thống gửi qua thư điện tử sau khi Tổng thống Trump nhậm chức được 4 ngày. Trong tuần này, ông Trump đã sa thải tổng thanh tra thứ 19 - thuộc cơ quan giám sát của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Trong đơn kiện, 8 tổng thanh tra cho rằng họ bị sa thải “trái luật pháp”, trong đó có đạo luật bảo vệ tổng thanh tra được Quốc hội thông qua vào năm 2022. Theo đạo luật này, từ lúc Nhà Trắng thông báo với Quốc hội ý định sa thải Tổng thanh tra nào đó tới lúc họ chính thức bị sa thải phải có thời gian ít nhất 30 ngày, đồng thời Nhà Trắng cũng phải đưa ra lý do chính đáng cho quyết định này. Các tổng thanh tra cho biết công việc của họ là phi đảng phái và cuối cùng tiết kiệm được hàng tỷ USD cho người nộp thuế, bảo vệ các quyền dễ bị tổn thương của người dân Mỹ và bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo các nguyên đơn, vụ sa thải này rõ ràng vi phạm đạo luật của liên bang – vốn được đa số thành viên Quốc hội của cả hai đảng thông qua và được Tổng thống ký thành luật – nhằm bảo vệ tổng thanh tra khỏi bị can thiệp theo cách hủy bỏ nhiệm vụ giám sát quan trọng, phi đảng phái của họ. Tám tổng thanh tra khẳng định âm mưu sa thải họ trái luật pháp nên vô hiệu và yêu cầu tòa cho phép được quay lại làm việc tới khi Nhà Trắng làm đúng thủ tục.
Động thái trên là vụ kiện mới nhất trong số hơn 40 vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang để phản đối các hành động hành pháp sớm và nhanh chóng của chính quyền Trump. Nhiều vụ kiện cáo buộc Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đang tước đi một phần quyền lực của Quốc hội.
Vụ kiện của các tổng thanh tra bổ sung vào một loạt vụ kiện từ những nhân viên chính phủ mà chính quyền Trump đã sa thải khỏi nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt là những người giữ vai trò độc lập hoặc phi chính trị. Việc sa thải này cũng đặt ra câu hỏi về cách tiếp cận đối đầu của ông Trump và tỷ phú Elon Musk, người được chỉ định lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đối với các cơ quan giám sát tham nhũng liên bang lâu đời, vào thời điểm hai nhân vật quyền lực này đang tiến hành giải thể một số bộ phận của chính phủ, một phần với mong muốn xóa bỏ tham nhũng.