8 trường đại học tranh tài tại Cuộc thi Thiết kế Máy tự động hóa 2025
Ngày 12-2, cuộc thi Thiết kế máy tự động hóa 2025 chính thức khởi động tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, thu hút 239 thí sinh từ 45 đội thuộc 8 trường đại học hàng đầu về kỹ thuật và cơ khí.
![Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí - Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS TS Phạm Văn Sáng chia sẻ sự hưởng ứng với cuộc thi. Ảnh: Hoàng Linh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_8_51461236/b76b0d8a3dc4d49a8dd5.jpg)
Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí - Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS TS Phạm Văn Sáng chia sẻ sự hưởng ứng với cuộc thi. Ảnh: Hoàng Linh
Cuộc thi do MISUMI (Nhật Bản) phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ sư trẻ cho ngành công nghiệp Việt Nam bằng cách đưa các thử thách, cung cấp các hoạt động đào tạo đồng hành dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ cập nhật mới nhất của doanh nghiệp.
Lễ khai mạc có sự tham gia của lãnh đạo, các giảng viên hướng dẫn và 239 thí sinh đến từ 45 đội chơi của 8 trường đại học, gồm: Trường Cơ khí - Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường Cơ khí - Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên; Khoa Cơ khí - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; Khoa Cơ khí - Trường Đại học Thủy lợi; Khoa Cơ khí - Cơ điện tử, Trường đại học Pheenika; Khoa Cơ khí - Trường Đại học Xây dựng và Khoa Cơ khí - Trường Đại học Giao thông vận tải.
Cuộc thi năm 2025 có chủ đề: “Thiết kế cơ cấu cấp và lấy phôi tự động cho máy laser” yêu cầu sinh viên đưa ra giải pháp thiết kế máy không chỉ đảm bảo hiệu suất mà còn tối ưu chi phí.
Các đội thi sẽ được cung cấp mô tả quy trình sản xuất hiện tại và phải đề xuất giải pháp tự động hóa, tối ưu hiệu suất sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công.
Năm 2025, lần đầu tiên, các sinh viên tham dự cuộc thi cần thuyết phục ban giám khảo là lãnh đạo lãnh đạo các trường, các công ty, doanh nghiệp về giải pháp tự động hóa của mình.
![Các sinh viên tham dự cuộc thi. Ảnh: Hoàng Linh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_8_51461236/4aea8b0bbb45521b0b54.jpg)
Các sinh viên tham dự cuộc thi. Ảnh: Hoàng Linh
Phát biểu tại buổi khai mạc, PGS TS Phạm Văn Sáng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp chính là điểm tạo nên hứng thú với sinh viên ngay từ đề bài vì tính thử thách mới lạ.
Theo PGS TS Phạm Văn Sáng, sinh viên có thể phát huy tối đa sự sáng tạo và khả năng giải quyết bài toán của một kỹ sư thiết kế máy trong tương lai.
Bên cạnh việc áp dụng các kiến thức thiết kế được học, sinh viên tham gia Cuộc thi Thiết kế máy tự động hóa 2025 còn được hỗ trợ với hoạt động đào tạo từ CTM và MISUMI Việt Nam.