OpenAI quay ngoắt 180 độ, muốn hợp tác với Trung Quốc khi DeepSeek gây chấn động thị trường công nghệ
Việc OpenAI thay đổi quan điểm từ cứng rắn sang muốn hợp tác với Trung Quốc phản ánh cách DeepSeek, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, làm rung chuyển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
OpenAI mong muốn hợp tác với Trung Quốc, theo tuyên bố của Giám đốc điều hành Sam Altman, đánh dấu một bước ngoặt 180 độ của công ty khởi nghiệp Mỹ gần 8 tháng sau khi thắt chặt các biện pháp cấm "Trung Quốc đại lục và các quốc gia, vùng lãnh thổ không được hỗ trợ khác truy cập vào ChatGPT và tất cả dịch vụ AI của mình”.
"Chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc", Sam Altman nói bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về AI ở Paris (thủ đô Pháp), diễn ra từ ngày 10 đến 11.2, theo đoạn video phỏng vấn được đăng trên trang web của đài truyền hình Sky News (Anh).
"Chúng ta có nên cố gắng hết sức để hợp tác với Trung Quốc không? Chắc chắn là có. Tôi nghĩ đó là điều thực sự quan trọng", Sam Altman nhấn mạnh trong video, mà không nêu rõ OpenAI và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ hợp tác trong những lĩnh vực nào.
Dù thừa nhận không biết liệu chính phủ Mỹ có cho phép OpenAI hợp tác với Trung Quốc hay không, Sam Altman vẫn cho rằng việc này là quan trọng.
Sự thay đổi lập trường công khai của Sam Altman với Trung Quốc phản ánh cách DeepSeek đã làm rung chuyển ngành công nghiệp AI toàn cầu sau khi ra mắt hai mô hình AI mã nguồn mở mạnh mẽ, V3 và R1. Hai mô hình AI này được phát triển với chi phí và sức mạnh tính toán chỉ bằng một phần nhỏ so với mức mà các hãng công nghệ lớn thường bỏ ra để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn – công nghệ nền tảng cho các dịch vụ AI tạo sinh.
Mã nguồn mở cho phép công chúng truy cập vào mã nguồn của một chương trình, giúp các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba chỉnh sửa hoặc chia sẻ thiết kế, sửa lỗi hoặc mở rộng khả năng của nó. Các công nghệ mã nguồn mở đã đóng góp to lớn vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ Trung Quốc vài thập kỷ qua.
![Sam Altman tham dự một sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hành động về AI ở Paris hôm 11.2 - Ảnh: EPA-EFE](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_287_51461387/7b4fb3a883e66ab833f7.jpg)
Sam Altman tham dự một sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hành động về AI ở Paris hôm 11.2 - Ảnh: EPA-EFE
Hôm 10.2, Sam Altman thừa nhận rằng DeepSeek đã "làm tốt" trong việc tạo ra chatbot AI để cạnh tranh với ChatGPT.
Nói chuyện trên podcast The Times Tech, Sam Altman cho biết thời điểm DeepSeek xuất hiện khiến ông bất ngờ.
“Chúng tôi biết rằng đến một lúc nào đó, OpenAI sẽ có những đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn với những mô hình rất mạnh mẽ, nhưng bạn không thể biết được liệu sáng hôm đó thức dậy có phải là ngày mà điều này sẽ xảy ra hay không. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi điều đó xảy ra. Điều bất ngờ là nó xảy ra vào đúng ngày hôm đó”, Sam Altman chia sẻ.
Doanh nhân 39 tuổi người Mỹ nói thêm: “DeepSeek đã làm được một số điều tốt. Tôi nghĩ DeepSeek đã thực hiện một số cải tiến đáng chú ý về sản phẩm, chẳng hạn hiển thị chuỗi suy nghĩ rõ ràng - điều mà mọi người muốn. Khả năng tiếp cận rộng rãi trong phiên bản miễn phí là điều mà mọi người mong muốn. Về mặt nghiên cứu, nó không phải là bản cập nhật lớn với chúng tôi, dù họ đã thực hiện một số điều tốt ở đó”.
Dù OpenAI tuyên bố có bằng chứng rằng DeepSeek đã sử dụng quy trình distillation (chưng cất) để huấn luyện mô hình của mình dựa trên dữ liệu công ty Mỹ mà không có sự cho phép, Sam Altman vẫn không có kế hoạch khởi kiện đối thủ.
Distillation trong AI là kỹ thuật học máy trong đó một mô hình nhỏ hơn, đơn giản hơn (gọi là student model – mô hình học sinh) được huấn luyện để bắt chước hiệu suất của mô hình lớn hơn, phức tạp hơn (gọi là teacher model – mô hình giáo viên).
Ông nhấn mạnh OpenAI sẽ tiếp tục đổi mới và duy trì vị thế dẫn đầu, thay vì vướng vào các tranh chấp pháp lý.
"Không, chúng tôi không có kế hoạch kiện DeepSeek vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm tuyệt vời và dẫn đầu thế giới với khả năng mô hình của mình. Tôi nghĩ điều đó sẽ ổn thôi", Sam Altman phát biểu trước báo giới hôm 3.2.
Hội nghị thượng đỉnh AI tại Paris, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, được coi là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới cùng các hãng công nghệ lớn nhất tìm thấy tiếng nói chung và cách tiếp cận toàn cầu về phát triển, quản lý AI. Song, những lo ngại về bảo mật và an toàn đã được nêu ra về bản chất của quá trình phát triển AI tại Trung Quốc.
Sam Altman thừa nhận rằng những khác biệt về khu vực trong các sản phẩm AI là điều không thể tránh khỏi, xét đến tình hình địa chính trị hiện tại, và các dịch vụ AI có thể sẽ "hoạt động khác nhau ở các quốc gia khác nhau".
"Tôi nghĩ bạn có thể hình dung ra một loại hệ thống phân cấp về những gì AI phải làm trên toàn cầu. Đây là những gì AI phải làm với quốc gia này, quốc gia kia và sau đó là người dùng cá nhân. Một điều mà tôi nghĩ là không dễ giải quyết là chúng ta đang hướng tới AI độc đoán hơn hay AI dân chủ hơn. Tôi rất ủng hộ AI dân chủ, nhưng điều đó đi kèm với một số sự đánh đổi và tác động tiêu cực trong xã hội. Chúng ta chưa bao giờ trao quyền cho cá nhân ở mức độ như sắp tới và tôi nghĩ đó là con đường duy nhất để tiến về phía trước.
Nhưng, bạn biết đấy, đó là một điều khác biệt. Vì vậy, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể tìm ra những điểm chung, đặt ra một số quy tắc và công nghệ sẽ hoạt động khác nhau ở các quốc gia khác nhau.
Tôi chắc chắn rằng sẽ có những mô hình AI khác nhau ở Trung Quốc so với phương Tây, nhưng chúng ta đều có chung lợi ích trong việc đảm bảo thế giới tiếp tục phát triển”, doanh nhân này phát biểu.
"Deep Research có thực hiện khoảng 5% nhiệm vụ trong nền kinh tế hiện nay"
Trong podcast The Times Tech, Sam Altman còn thảo luận về sáng kiến mới nhất của OpenAI là Deep Research, tác tử AI có khả năng tự tìm kiếm thông tin trực tuyến và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phức tạp, nhiều bước thay mặt cho người dùng.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.
Deep Research được vận hành bởi mô hình o3 sắp ra mắt của OpenAI, được tối ưu hóa cho duyệt web và phân tích dữ liệu. Tác tử AI mới này có khả năng thực hiện nghiên cứu nhiều bước trên internet cho các nhiệm vụ phức tạp mà theo OpenAI, "hoàn thành trong vài chục phút những gì con người phải mất nhiều giờ".
Bạn chỉ cần cung cấp một yêu cầu là Deep Research sẽ “tìm kiếm, phân tích và tổng hợp hàng trăm nguồn trực tuyến để tạo ra một báo cáo toàn diện ở cấp độ của nhà phân tích nghiên cứu”.
Deep Research phục vụ cho các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, khoa học, chính sách và kỹ thuật, cung cấp những thông tin chi tiết đáng tin cậy và toàn diện. Tính năng này cũng hữu ích với những người mua sắm đang tìm kiếm các đề xuất được cá nhân hóa về giao dịch mua đòi hỏi phải nghiên cứu cẩn thận, chẳng hạn ô tô, đồ gia dụng và đồ nội thất.
Kết quả gồm các trích dẫn và tóm tắt rõ ràng, giúp dễ dàng xác minh. Về cơ bản, Deep Research giúp tinh giản quá trình nghiên cứu tốn thời gian, cung cấp thông tin chuyên sâu hiệu quả chỉ từ một truy vấn.
Trong loạt bài đăng trên mạng xã hội X, Sam Altman đã mô tả Deep Research là "giống một siêu năng lực, hoạt động như nhóm chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ bạn".
Sam Altman cho biết Deep Research có thể "sử dụng internet, thực hiện nghiên cứu, lập luận phức tạp và trả về cho bạn một báo cáo", xử lý các nhiệm vụ "mất nhiều giờ/ngày và tốn hàng trăm USD".
Dù rất tốn nhiều tài nguyên tính toán và hoạt động còn chậm, ông tuyên bố "Deep Research là hệ thống AI đầu tiên có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp, có giá trị như vậy".
Deep Research mất từ 5 đến 30 phút để hoàn thành công việc và bạn sẽ nhận được thông báo khi nghiên cứu xong. Kết quả cuối cùng là một báo cáo được gửi qua ChatGPT.
Hiện báo cáo chỉ có văn bản nhưng OpenAI cho biết trong những tuần tới, họ sẽ thêm hình ảnh nhúng, biểu đồ dữ liệu và các kết quả phân tích khác để tăng thêm độ rõ ràng và ngữ cảnh.
Deep Research hiện có sẵn như một phần gói Pro của OpenAI (giá 200 USD/tháng), với 100 truy vấn có sẵn mỗi tháng trên web. Nó sẽ có trên ứng dụng dành cho thiết bị di động và PC vào cuối tháng 2. Tính năng này cũng sẽ sớm khả dụng với khách hàng Plus, Team và Enterprise trước khi đến với gói miễn phí của OpenAI.
Sam Altman tin rằng Deep Research sẽ có tác động đáng kể và có thể thực hiện "khoảng 5% nhiệm vụ trong nền kinh tế hiện nay".