80 năm ra đời 'Đề cương về văn hóa Việt Nam' (1943-2023): Tạo đà sức bật nội sinh

Nếu xem Đề cương Văn hóa Việt Nam là bản 'Cương lĩnh văn hóa' đầu tiên của Việt Nam thì 'đầu ra' cho một hành trình dài 80 năm chính là một ngành công nghiệp văn hóa, mở đường phát triển kinh tế và làm nền tảng cho nhiều lĩnh vực.

Tiềm năng còn đó, sức bật chưa thành

Thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”.

Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng cách giữa các vùng miền còn rất lớn, sự nhận diện ngành công nghiệp văn hóa đã có nhưng thực tế vẫn dừng ở mức “tiểu thủ công nghiệp”. Nhiều bảo tàng tại các địa phương vẫn loay hoay trong định hướng phát triển. Tại tọa đàm “Truyền thông marketing bảo tàng: Chiến lược, phương thức trong bối cảnh đương đại” do Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp Khoa Di sản văn hóa - Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức vào cuối năm 2022, giám đốc bảo tàng tại một tỉnh phía Nam đặt vấn đề đầy trăn trở: “Chúng tôi nghe nói nhiều về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào bảo tàng, nhưng tại bảo tàng chúng tôi, vẫn loay hoay chưa biết phải chuyển đổi thế nào theo xu thế đó để thu hút khách và tạo bản sắc riêng”.

Một chương trình nghệ thuật trước Nhà hát Thành phố, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Câu chuyện trên không chỉ gói gọn ở một vài bảo tàng, mà ở nhiều địa phương, “công nghiệp văn hóa” vẫn còn nằm trên đề án, ở các kế hoạch được nêu ra mỗi đầu năm. Việc thu hút khách đến với sản phẩm văn hóa địa phương đã khó, nói gì đến doanh thu, lợi nhuận đường dài. Trong khi đó, Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 18-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1755/QĐ-TTg) khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong xu hướng local tour (được hiểu là du lịch tại địa phương), di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên tiềm năng để khai thác và xây dựng bản sắc cho từng địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa nhiều, tài nguyên nhiều nơi vẫn còn “đắp chiếu”. Hội Di sản văn hóa TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, TPHCM có 185 di tích chưa kể di sản văn hóa phi vật thể, nhưng chỉ tầm 10% là sáng đèn, đón khách.

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chia sẻ: “Việt Nam với gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa. Nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng ngoại nhiều hơn nội”.

Nhận diện để phát huy

GS-TS Trần Ngọc Thêm từng bày tỏ: “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam cần được thiết kế trên nền tảng 4 trụ cột chứ không phải 3; và với thứ tự ưu tiên hàng đầu phải là văn hóa, là việc xây dựng con người công nghiệp và đô thị, văn hóa công nghiệp và đô thị, chứ không phải là môi trường như ở các nước phát triển”.

Sự thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc dùng văn hóa mở đường cho kinh tế đã thấy rõ. Để xuất khẩu văn hóa, mang văn hóa Việt Nam ra thế giới không thể chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ mà phải “đi cùng nhau”.

Theo bà Trần Ly Ly, Quyền Cục truởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, từ bài học của Hàn Quốc về đầu tư cho văn hóa cho thấy nước này đã dành 2 thập niên đầu tư tối đa, với sự kết nối của nhiều ngành để tạo ra hệ sinh thái cho văn hóa, tạo thành sức mạnh và lan tỏa ảnh hưởng đối với toàn thế giới, với các chính sách như: giảm thuế khi đầu tư cho nghệ thuật, giảm thuế cho các công ty có đầu tư cho văn hóa, hay chuyện đưa các đạo diễn giỏi của Hàn Quốc sang Mỹ để học hỏi.

“Sau 5-10 năm, từ vị trí của người học hỏi, họ đã biến thành con người chủ động sáng tạo. Họ đã và sẽ tạo thành những sản phẩm văn hóa của chính đất nước họ”, bà Trần Ly Ly nói.

"Nền tảng văn hóa nào cũng phải lấy tinh chất của truyền thống, của dân tộc, của sự đặc sắc, khác biệt của dân tộc đó là nền tảng. Nếu không khẳng định được “Tôi là ai” thì sẽ nhanh chóng trở nên mờ nhạt, bị hòa lẫn vào đám đông. Truyền thống là tinh chất, là cơ sở nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa. Các sản phẩm văn hóa giải trí đạt được nhiều chỉ số nhưng đó chưa phải là sản phẩm thể hiện được nội tại của văn hóa, là sản phẩm đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Chúng ta phải đi song song hai con đường là bề nổi và chiều sâu để đáp ứng được yêu cầu vừa có sản phẩm đỉnh cao nhưng cũng có nhiều sản phẩm văn hóa mang tính đại chúng.

Có cách gì để thúc đẩy, tạo hiệu ứng mạnh hơn từ các hiện tượng đơn lẻ gần đây? Chúng ta có thể để cho nhà sản xuất, các nghệ sĩ tự lựa chọn, đầu tư những thứ cộng đồng và xã hội cần. Bên cạnh đó, cần đầu tư tập trung, đặt hàng với những nội dung quan trọng. Việc đặt hàng không nhất thiết là người sống ở Việt Nam mà có thể là kết hợp trong và ngoài, có thể tận dụng được tài năng của các nghệ sĩ đang sống ở nước ngoài… để tạo ra những sản phẩm tập thể có chất lượng tốt"

Bà Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Kết quả nghiên cứu từ Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chỉ ra, việc chưa xem công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được ấn tượng thu hút đối với cảm nhận của người nước ngoài. Các kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá về mức độ phát huy giá trị của cơ sở vật chất và không gian văn hóa của nước ta, phần lớn những người nước ngoài đều đánh giá ở mức trung bình. Chỉ có 2 cơ sở vật chất và không gian văn hóa là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) được đánh giá ở mức phát huy khá tốt với mức điểm trung bình là 4,2 và 4,1 (trong thang điểm từ 1-5).

Các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị “xâm lấn” bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhìn nhận, các ngành công nghiệp văn hóa khó chuyển mình trong sự phân tách, cộng thêm những rào cản về cơ chế làm chậm quá trình biến văn hóa thành một lĩnh vực đầu tư, mở rộng cửa cho khu vực tư nhân và tạo điều kiện cho giải phóng sức sáng tạo, khiến công nghiệp văn hóa chưa là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới… vẫn còn là bài toán. Để là “đầu ra” cho một bản Đề cương Văn hóa Việt Nam 80 tuổi, hành trình vẫn còn dài…

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các sản phẩm công nghiệp văn hóa (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, báo chí, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa...) khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ là biểu tượng, bản sắc, hình ảnh, mang thương hiệu quốc gia, thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Do đó, cần có chiến lược, kế hoạch phát triển có trọng điểm, trọng tâm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, cũng như khắc phục tình trạng “nhập siêu” các sản phẩm công nghiệp văn hóa nước ngoài.

THIÊN THANH - MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/80-nam-ra-doi-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-1943-2023-tao-da-suc-bat-noi-sinh-post680137.html