80% người bị ung thư bàng quang đều có biểu hiện sớm này
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong các bệnh ung thư đường tiết niệu. Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh giúp việc điều trị thành công hơn.
Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển ở lớp lót bên trong của bàng quang. Khi các tế bào ung thư nhân lên, tạo thành khối u bên trong niêm mạc bàng quang và từ đó có thể gây ra chảy máu.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương Quốc Anh, 80% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang đều có biểu hiện tiểu ra máu. Đây cũng là triệu chứng sớm hoặc thậm chí duy nhất mà một số bệnh nhân bị ung thư bàng quang gặp phải.
Ở các bệnh nhân ung thư bàng quang, dấu hiệu tiểu ra máu thường được phát hiện bằng mắt thường. Bệnh nhân có thể thấy nước tiểu có màu nâu sẫm, hồng, cam hoặc đỏ.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, tiểu ra máu có thể là triệu chứng duy nhất. Một số bệnh nhân có thể có cảm giác nóng, đau hoặc rát đi kèm với tiểu ra máu. Triệu chứng tiểu ra máu có thể không xảy ra thường xuyên và xuất hiện lại sau đó vài tuần, thậm chí vài tháng.
Tiểu ra máu đôi khi không thể phát hiện được bằng mắt thường mà cần phải sử dụng các xét nghiệm để nhận biết. Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang mặc dù không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng kết quả xét nghiệm khi đi khám tổng quát cho thấy có máu trong nước tiểu.
Mặc dù vậy, tiểu ra máu cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng thận, sỏi bàng quang hoặc sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư thận.
Một số loại thuốc cũng có thể gây tiểu ra máu, chẳng hạn như aspirin hoặc các loại thuốc làm loãng máu.
Tuy nhiên, nếu thấy triệu chứng tiểu ra máu, hãy tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu phát hiện sớm bệnh, việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.
Triệu chứng khác của ung thư bàng quang
Bên cạnh tiểu ra máu, ung thư bàng quang có thể có các dấu hiệu khác như:
- Tiểu thường xuyên
- Tiểu đột ngột
- Đau hoặc cảm giác nóng, rát khi đi tiểu
Khi ung thư tiến triển hoặc lan sang bộ phận khác của cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như:
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Đau ở phần lưng và bụng dưới
- Thường xuyên mệt mỏi
Ung thư bàng quang có nguyên nhân từ đâu?
Theo Mayo Clinic, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Một số yếu tố có thể kể tới gồm:
Hút thuốc: Khi bạn hút thuốc, cơ thể sẽ xử lý các hóa chất trong khói thuốc và bài tiết một số chất độc qua nước tiểu. Những hóa chất độc hại này có thể làm hỏng niêm mạc bàng quang, làm tăng nguy cơ ung thư.
Tuổi cao: Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên khi bạn già đi. Mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang đều trên 55 tuổi, đặc biệt là ở nam giới.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Thận có nhiệm vụ lọc các hóa chất độc hại từ máu và chuyển vào bàng quang để đào thải ra khỏi cơ thể. Do đó, nếu thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Các hóa chất liên quan đến nguy cơ ung thư bàng quang bao gồm asen và các hóa chất được sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn.
Viêm bàng quang mạn tính: Viêm nhiễm mạn tính lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy. Ở một số khu vực trên thế giới, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến tình trạng viêm bàng quang mạn tính do nhiễm sán máng - một loại ký sinh trùng.
Tiền sử gia đình: Ung thư bàng quang hiếm khi di truyền. Tuy nhiên những người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này cũng nên đề phòng nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừa ung thư bàng quang
Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư bàng quang, mọi người nên:
- Bỏ thuốc lá;
- Uống đủ nước;
- Thận trọng khi làm việc trong môi trường có nhiều chất độc hại và nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh;
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh có nhiều màu sắc khác nhau. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn giàu rau xanh và trái cây có thể giúp cơ thể chống lại ung thư bàng quang nhờ các chất chống oxy hóa có trong các thực phẩm này.
(Nguồn: Cancer Research UK, Mayo Clinic, Bladder Cancer)