84% giáo viên tiếng Anh cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ
Trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, nhất là ở các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cùng với việc phát triển về quy mô thì chất lượng dạy và học cũng tăng lên đáng kể.
Ngày 27/12, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức Hội thảo công bố báo cáo thường niên 2023 với chủ đề “Dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh cho biết, trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, nhất là ở các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cùng với việc phát triển về quy mô thì chất lượng dạy và học cũng tăng lên đáng kể.
Bên cạnh kết quả đạt được thì việc dạy, học Ngoại ngữ ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức người dạy, người học; thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giảng dạy; hạn chế tiếp cận do vùng miền… Vì vậy, theo ông Lê Anh Vinh, ngoài công bố báo cáo thường niên, hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy, cô giáo góp ý, trao đổi ý kiến, nêu các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, nâng cao chất lượng, quy mô cho việc triển khai dạy, học Ngoại ngữ ở các cấp học.
Theo báo cáo thường niên 2023 về “Dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình các môn Ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông năm năm 2018. Các địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh ngày càng tăng, 53/63 địa phương triển khai hoạt động này.
Theo ban tổ chức, hiện nay, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực Ngoại ngữ để triển khai chương trình Ngoại ngữ là 84%, trong đó cấp tiểu học 84%, trung học cơ sở 87%, trung học phổ thông 77%. Để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới môn Tiếng Anh, giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông được tham gia các khóa bồi dưỡng về năng lực sư phạm giảng dạy tiếng Anh như phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ trong dạy học Ngoại ngữ, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng Ngoại ngữ...
Việc khảo sát kết quả và trải nghiệm học tập của học sinh đối với môn Ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện dựa trên một số tiêu chí sát với mục tiêu đề ra. Điều đó cho thấy chương trình mới đã khơi gợi được cho học sinh sự hứng thú với môn Ngoại ngữ khi hầu hết học sinh đều cho biết rất thích thú với giờ học tiếng Anh, nhất là học sinh tiểu học. Giáo viên đang tham gia dạy môn tiếng Anh theo chương trình mới cũng cho rằng, học sinh ở các cấp học hứng thú hơn rất nhiều trong các giờ học…