843 người dân khu vực vụ cháy Rạng Đông chuyển xét nghiệm sâu về thủy ngân
Đã có 1.776 người sống, làm việc gần đám cháy Rạng Đông được khám, tư vấn sức khỏe, 843 người được chuyển tuyến làm xét nghiệm sâu về thủy ngân.
Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, từ 6/9 đến nay, tại 2 điểm khám miễn phí ở Trạm y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung, đã có 1.776 người (sống, làm việc trong bán kính 500 m tính từ tường rào công ty Rạng Đông) được khám, tư vấn sức khỏe. Trong đó, 843 người được chuyển tuyến làm các xét nghiệm sâu về thủy ngân.
Đến chiều 11/9, riêng các mẫu xét nghiệm thủy ngân máu, mẫu nước tiểu được gửi đến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), có 44 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép), dựa trên cơ sở tham chiếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chưa có trường hợp nào ở quanh khu vực vụ cháy công ty Rạng Đông có kết quả xét nghiệm máu chứa hàm lượng thủy ngân cao vượt ngưỡng.
Theo kế hoạch, hôm nay 12/9 là ngày cuối cùng của đợt khám miễn phí cho người dân quanh khu vực xảy ra đám cháy. Trao đổi với báo chí trước đó, bà Trần Nhị Hà, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ khám, tư vấn miễn phí cho người dân trong 7 ngày; tuy nhiên, có thể kéo dài nếu nhu cầu của người dân vẫn còn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm, nguyên nhân, trách nhiệm liên quan, các biện pháp khắc phục; Tiếp tục theo dõi, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó sự cố; tổ chức theo dõi, thăm khám sức khỏe kịp thời cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của sự cố...
Đồng thời, UBND TP.Hà Nội cần có biện pháp trước mắt giúp Công ty Rạng Đông phục hồi sản xuất. Về lâu dài tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời Công ty này và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo; làm đầu mối công khai kịp thời thông tin về sự cố môi trường; chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác; thống nhất với Bộ TN-MT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để kịp thời ra khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do sự cố...