9 hành động giúp tạo thiện cảm trong buổi phỏng vấn xin việc

Khi phỏng vấn xin việc, tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng là điều cần thiết để tăng cơ hội trúng tuyển. 9 hành động sau sẽ giúp bạn đạt được điều đó.

Thể hiện sự hiểu biết về công ty và vị trí ứng tuyển

Việc bạn tìm hiểu và nắm được các thông tin cơ bản sẽ giúp bạn có cơ sở để tự tin trả lời. Nhà tuyển dụng không muốn nghe những câu trả lời lòng vòng, chung chung.

Rõ ràng, khi bạn có sự chuẩn bị, có sự hiểu biết nhất định về công việc, công ty, thậm chí hiểu cả nhà tuyển dụng thì câu trả lời của bạn sẽ đúng trọng tâm hơn. Tinh thần, thái độ của bạn sẽ tự tin, mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm túc và coi trọng cơ hội công việc này của bạn. Và tất nhiên bạn sẽ nhận lại cái nhìn đầy thiện cảm từ nhà tuyển dụng.

Có mặt đúng giờ đã hẹn

Điều cơ bản nhất của bất cứ cuộc hẹn nào là đến đúng giờ, đặc biệt với cuộc phỏng vấn tìm việc ở Hải Phòng, Hà Nội… nguyên tắc này càng quan trọng. Không có lí do chính đáng nào biện minh được nếu bạn trễ giờ. Nếu phạm lỗi này bạn không chỉ gây mất thiện cảm mà còn có khả năng cao là bị hủy luôn cuộc phỏng vấn xin việc.

Đúng giờ chính là minh chứng cho việc bạn chuẩn bị khá chu đáo khi tham dự cuộc phỏng vấn.

Trang phục và vẻ ngoài phù hợp

Lựa chọn trang phục là một trong những yếu tố gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Nếu bạn có gu thẩm mỹ, biết cách chọn trang phục lịch sự, thanh lịch, phù hợp với dáng người, với tính chất công việc thì sẽ tạo được thiện cảm và dễ ghi được điểm cộng. Ngược lại nếu bạn chọn trang phục không phù hợp, luộm thuộm thì chắc chắn bạn sẽ để lại ấn tượng xấu. Lưu ý là việc diện trang phục quá gợi cảm hoặc trang điểm quá đậm cũng "phản tác dụng" khi đi phỏng vấn. Bạn chỉ cần trang điểm nhẹ nhàng với một chút kem dưỡng da và son môi là đủ.

Nắm vững quy tắc giao tiếp

Bạn nên tìm hiểu quy tắc ứng xử khi tham dự phỏng vấn để có hành vi phù hợp giúp tạo được thiện cảm tốt nhất. Chẳng hạn, khi bước vào phòng cần cúi đầu chào hỏi nhà tuyển dụng trước không kể tuổi tác; chỉ đưa tay ra bắt khi họ chủ động đưa tay ra trước; nếu nhà tuyển dụng lớn tuổi hơn bạn nên đưa hai tay; chỉ được ngồi xuống ghế khi được mời; Nếu được mời nước lọc và thêm các loại thức uống khác thì bạn nên chọn nước lọc; giữ nụ cười và sự vui vẻ; tắt chuông – không sử dụng điện thoại; trước khi ra về nên gửi lời chào và bày tỏ lòng cảm ơn…

Tập trung lắng nghe

Tích cực lắng nghe trong buổi phỏng vấn có hai mục đích. Đầu tiên, nó truyền đạt sự quan tâm của bạn đối với vị trí ứng tuyển. Thứ hai, lắng nghe tích cực cho phép bạn nắm bắt được những manh mối về văn hóa công ty, từ đó cho bạn biết liệu vị trí này có phù hợp với bạn hay không.

Các dấu hiệu của việc lắng nghe tích cực bao gồm sử dụng lượng giao tiếp bằng mắt phù hợp cũng như nụ cười và cái gật đầu để thu hút và kết nối; tư thế tốt và thậm chí hơi nghiêng người về trước để thể hiện sự chú ý; diễn giải lại câu hỏi và sử dụng lại ngôn ngữ từ câu hỏi trong câu trả lời và đặt câu hỏi mở tiếp theo khi có cơ hội.

Tự tin và khiêm tốn

Ở vai trò ứng viên, bạn cần ghi nhớ sự tự tin và khiêm tốn chính là phong thái được đánh giá cao và tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng.

Sự tự tin ở đây chính là tin vào bản thân, thể hiện qua tâm lí thoải mái, cởi mở, trả lời câu hỏi có lập luận rõ ràng, mạch lạc.

Bên cạnh đó, khiêm tốn cũng là phẩm chất được đánh giá cao. Bạn chắc chắn sẽ tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng nếu nói đúng về thành tích đã đạt được kèm theo các minh chứng rõ ràng, không tự mãn về những gì đã đạt được cũng như không đánh giá thấp các ứng viên khác.

Không phàn nàn sếp cũ, đồng nghiệp cũ, và đổ lỗi

Không ai thích một người luôn kể xấu người khác, đặc biệt trong cuộc phỏng vấn thì càng tối kị. Điều này không mang lại bất kì lợi ích nào mà còn làm xấu hình ảnh của chính bạn. Nhà tuyển dụng cũng không tin hoàn toàn vào những gì bạn nói, hơn nữa còn nhận xét bạn là người tiêu cực và có thể sẽ là nhân tố làm mất đoàn kết trong đội nhóm nếu được tuyển dụng.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể thích hợp

Cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể cũng đóng vai trò trong việc người khác nhìn nhận về bạn. Ánh mắt vui vẻ, nụ cười chân thành, tư thế ngồi phù hợp, lưng thẳng, cử động của bàn tay duyên dáng… Tất cả tạo nên phong thái tích cực thì sẽ tạo được thiện cảm tốt.

Ngược lại, các biểu hiện như ngồi vòng tay trước ngực, đầu quá ngẩng cao, lưng khom, chân duỗi bắt chéo… làm hình ảnh bạn trở nên xấu xí, thiếu chuyên nghiệp và tất nhiên gây mất cảm tình.

Không nói "Tôi không thích/ Tôi không muốn/ Tôi không biết…"

Sẽ ra sao nếu nhà tuyển dụng nhận được các câu trả lời thiếu thiện chí như trên? Nếu thực sự gặp vấn đề bạn không biết thì nên lựa chọn cách nói khác nhẹ nhàng và khéo léo hơn. Ví dụ: "Xin lỗi anh, chị. Em chưa tìm hiểu sâu vấn đề này, đây cũng là một gợi ý hay, sau cuộc phỏng vấn này em sẽ nghiên cứu nó ngay lập tức…"

Không quá khó để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn xin việc. Khi lựa chọn thái độ ứng xử và hành động tích cực, bạn cũng sẽ dễ dàng tạo cho người khác thiện cảm. Đặc biệt với vai trò ứng viên, bạn đang cần sự ghi nhận và tạo ấn tượng tốt từ nhà tuyển dụng của mình.

Đặng Hảo

Vương Thị Thảo

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/9-hanh-dong-giup-tao-thien-cam-trong-buoi-phong-van-xin-viec-204240723104135258.htm