9 sự kiện công nghệ Việt Nam nổi bật 2024 do VietTimes bình chọn

Lĩnh vực công nghệ Việt Nam năm 2024 có nhiều sự kiện nổi bật, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số tại Việt Nam. Có thể kể đến các sự kiện như thương mại hóa 5G, ban hành chiến lược bán dẫn...

Vào ngày 30/11/2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Dữ liệu. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật Dữ liệu bao gồm 5 chương với 46 điều, quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam và được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Việc thông qua Luật Dữ liệu đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng dữ liệu số tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế số và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong môi trường số.

Vào ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg, ban hành "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050".

Chiến lược này đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam theo lộ trình ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3 (2040 - 2050): Trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn và điện tử, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 bao gồm: Hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; Đạt doanh thu công nghiệp bán dẫn trên 25 tỷ USD/năm, với giá trị gia tăng tại Việt Nam từ 10-15%; Đào tạo trên 50.000 kỹ sư và cử nhân trong lĩnh vực bán dẫn, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Chiến lược này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và khoa học công nghệ trong nước.

Ngày 22/10/2024, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg, công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng hạ tầng blockchain Việt Nam tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn thông tin mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ blockchain tại các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Hình thành hệ sinh thái "Blockchain+" thông qua ứng dụng công nghệ blockchain trong các ngành như tài chính, ngân hàng, giao thông, y tế, giáo dục, thương mại, logistics, bưu chính, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp và cung cấp dịch vụ công.

Đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.

Vào ngày 15/10/2024, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G trên diện rộng, với hơn 6.500 trạm phát sóng phủ sóng toàn quốc.

Ngày 20/12, Tập đoàn VNPT là nhà mạng thứ hai tại Việt Nam công bố chính thức cung cấp dịch vụ VinaPhone 5G trên 63 tỉnh thành, chú trọng phủ sóng và cung cấp dịch vụ tại các khu vực trọng điểm về kinh tế xã hội như trung tâm hành chính quận/ huyện, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường học, bệnh viện, khu du lịch.

Việc thương mại hóa 5G đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

NVIDIA đã ký kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thành lập hai trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Lễ ký kết diễn ra vào ngày 5/12/2024, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO NVIDIA Jensen Huang.

 Thủ tướng và Chủ tịch NVIDIA chứng kiến ký kết và trao Thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng và Chủ tịch NVIDIA chứng kiến ký kết và trao Thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hai trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và triển khai các công nghệ AI tiên tiến tại Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho nhân lực trong nước.

Việt Nam đã chính thức tắt sóng 2G Only (dừng dịch vụ đối với các thiết bị chỉ hỗ trợ sóng 2G) từ ngày 16/10/2024. Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc ngừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị chỉ hỗ trợ 2G nhằm thúc đẩy người dùng chuyển sang các công nghệ hiện đại hơn như 4G và 5G, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và tối ưu hóa tài nguyên tần số.

Trước đó, thời hạn tắt sóng 2G Only dự kiến vào ngày 15/9/2024, nhưng đã được lùi đến ngày 16/10/2024 để đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc trong thời gian khắc phục hậu quả thiên tai.

Việc tắt sóng 2G Only đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Viễn thông, vào thời điểm tắt sóng 2G Only, vẫn còn có khoảng 600.000 thuê bao chưa chuyển đổi sang các công nghệ mới hơn, đa phần là các thuê bao ở vùng sâu, vùng xa.

Trong năm 2024, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều quy định nhằm hạn chế tiêu cực trong nội dung số, đặc biệt là để giảm thiểu tin giả và thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Trong đó, đáng chú ý nhất là Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trường hợp người dùng không có số điện thoại di động, phải xác thực bằng số định danh cá nhân. Chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được phép đăng tải, chia sẻ thông tin và sử dụng tính năng livestream.

Việc định danh cá nhân trên không gian mạng được quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của người dùng, giảm thiểu tình trạng phát tán tin giả, thông tin sai sự thật. Người dùng phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, lan truyền trên mạng xã hội.

Trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh hàng trăm trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Kết quả, nhiều trường hợp đã bị xử phạt với tổng số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng do hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

Cũng trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok ngăn chặn, gỡ bỏ hàng nghìn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, với tỷ lệ đáp ứng yêu cầu đạt trên 90%.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu từ ngày 1/7/2024 các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học. Điều này nhằm đảm bảo chính chủ thực hiện giao dịch, giảm thiểu rủi ro lừa đảo trực tuyến.

Còn theo thông tư 18/2024 của Ngân hàng Nhà nước thì từ ngày 1/10/2024, tất cả cá nhân mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử qua kênh trực tuyến phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, các tài khoản chưa được xác thực sinh trắc học sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy, nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật trong giao dịch.

Sau hơn 3 tháng triển khai xác thực sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, một số ngân hàng không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.

Trong năm 2024, Việt Nam đã chứng kiến một loạt các cuộc tấn công ransomware (mã độc mã hóa dữ liệu để tống tiền) nhằm vào nhiều cơ quan và doanh nghiệp quan trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2024, Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) ghi nhận hơn 13.000 sự cố an toàn thông tin liên quan đến ransomware trên các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Các cơ quan và doanh nghiệp bị tấn công ransomware có thể kể đến như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty chứng khoán VnDirect, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).

Nhiều tổ chức và doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, chứng khoán và logistics cũng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công ransomware.

Theo số liệu của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), trong nửa đầu năm 2024, số lượng dữ liệu bị tấn công mã hóa lên đến 3 Terabyte với tổng thiệt hại ước tính hơn 10 triệu USD.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, diễn ra từ ngày 19 đến 22/12 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của 242 đơn vị công nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế, với 442 gian hàng trưng bày. Trong số đó, các công ty Việt Nam đã giới thiệu nhiều công nghệ quốc phòng hiện đại, thể hiện năng lực tự chủ và tiềm lực công nghiệp quốc phòng của đất nước.

Trong đó, Viettel đã trưng bày hơn 80 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Trong đó, có các sản phẩm đáng chú ý như: Radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming). Công nghệ này cho phép tạo ra tín hiệu truyền phát mạnh hơn và chính xác hơn, ứng dụng trong cả radar và thiết bị 5G.

Các loại máy bay không người lái (UAV), bao gồm UAV trinh sát với thời gian bay lên đến 6 giờ, cự ly hoạt động 70 km, sử dụng trí tuệ nhân tạo để trinh sát và chỉ thị mục tiêu; UAV tấn công cảm tử sử dụng AI trong tìm kiếm và tấn công mục tiêu; UAV đa năng có thể bay liên tục hơn 12 giờ, cự ly hoạt động hơn 1.000 km, trang bị vũ khí tấn công chính xác cao.

Tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV: Hệ thống này được thiết kế để phát hiện và vô hiệu hóa các UAV đối phương, bảo vệ không phận và các mục tiêu quan trọng.

 Robot tuần tra giám sát thế hệ mới do Viettel phát triển, tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất như trí tuệ nhân tạo, điều khiển từ xa

Robot tuần tra giám sát thế hệ mới do Viettel phát triển, tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất như trí tuệ nhân tạo, điều khiển từ xa

Hệ sinh thái sản phẩm theo mô hình tác chiến C5ISR: Bao gồm các chức năng trinh sát, thu thập thông tin, truyền nhận thông tin, xử lý thông tin để ra quyết định, và vũ khí công nghệ cao trên các môi trường tác chiến như vũ trụ, trên không, trên biển, trên bộ và không gian mạng.

Viettel cũng giới thiệu công nghệ bắn súng mô phỏng dùng để đào tạo quân nhân. Ba loại súng mô phỏng do Viettel trang bị có thiết bị tạo giật không dây, module laser hồng ngoại, ống ngắm mô phỏng chi tiết có độ phân giải cao, tạo cảm giác chân thực về thiết bị, âm thanh khi bắn. Công nghệ này đã được thương mại hóa và nhận được đơn hàng từ Cảnh sát quốc gia Philippines.

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cũng giới thiệu một số sản phẩm lưỡng dụng. Nhiều sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, có tính dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế, như công nghệ thị giác máy tính ứng dụng trong UAV và nhà máy thông minh; thực tế ảo (AR/VR) ứng dụng trong mô hình huấn luyện và đào tạo lái xe.

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/9-su-kien-cong-nghe-viet-nam-noi-bat-2024-do-viettimes-binh-chon-post181227.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat