90 ngày cho một canh bạc toàn cầu (Bài 1)

Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, đó không chỉ là 'lệnh hoãn chiến' tạm thời giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới mà còn là điểm khởi đầu của một chuỗi diễn biến mới trong bức tranh địa chính trị thương mại toàn cầu. Trong đó, các quốc gia, liên minh kinh tế và doanh nghiệp buộc phải định hình lại chiến lược, ứng phó trong tình trạng đầy bất định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu 90 ngày có đủ để tháo gỡ những nút thắt thương mại đang ngày càng làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ với các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới?

Thương mại toàn cầu trước những biến số mới - đàm phán, tái định hình và cơ hội

Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi động chính sách thuế đối ứng và mở ra một giai đoạn đàm phán thương mại đầy biến động với hàng loạt quốc gia trên thế giới, cục diện kinh tế toàn cầu lập tức bị đặt trong trạng thái báo động. Những quyết định tưởng chừng thuần túy kỹ thuật lại nhanh chóng phơi bày bản chất chính trị sâu sắc, kéo theo chuỗi phản ứng dây chuyền từ các đồng minh lẫn đối thủ thương mại của Mỹ.

Trong loạt bài sau đây, các phân tích đã được tổng hợp từ Webinar “Kết quả đàm phán thuế đối ứng của Mỹ với Anh và Trung Quốc: Nhận diện cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức. Những góc nhìn toàn diện, sắc sảo của các chuyên gia kinh tế và chính sách hàng đầu sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn bản chất chính sách thương mại mới của Mỹ, phản ứng của các quốc gia trước chiến lược “áp thuế trước, đàm phán sau”, cũng như những tác động hiện hữu lẫn tiềm tàng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người đang trong “cuộc chơi” thương mại được viết lại từ Washington.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), cục diện đàm phán hiện nay có thể chia thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những nước chủ động đàm phán với Mỹ, gồm Nhật Bản và Anh, sẵn sàng nhượng bộ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Nhóm thứ hai là các quốc gia cứng rắn, tiêu biểu là Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Hai đối tác này tuyên bố chỉ đàm phán nếu Mỹ xóa bỏ toàn bộ các mức thuế đã áp từ tháng 2 - một điều kiện mà nhiều người cho là “khó khả thi”.

Nhóm thứ ba, trong đó có Việt Nam là những quốc gia đang theo dõi cục diện, đánh giá mức độ thành bại của các bên để đưa ra bước đi tiếp theo. Với tính chất mở của nền kinh tế và vị thế là đối tác FDI lớn, Việt Nam không thể đi trước quá vội vàng, nhưng cũng không thể đứng ngoài bàn đàm phán nếu muốn bảo vệ lợi ích quốc gia.

Sáu trụ cột từ mô hình đàm phán Mỹ - Anh

Một trong những điểm sáng quan trọng trong giai đoạn đàm phán lần này là việc Mỹ đã xác định 6 nhóm vấn đề cốt lõi làm nền tảng cho các thỏa thuận thương mại song phương. Sáu nhóm này được hình thành đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận Mỹ - Anh và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng sang các đối tác khác, bao gồm: xử lý thuế quan, rào cản phi thuế quan, thương mại số, liên kết về an ninh kinh tế, cơ hội thương mại mới và các vấn đề thương mại khác chưa được giải quyết.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, 6 nhóm nội dung này không chỉ là nền tảng đàm phán mà còn là “hệ quy chiếu” để Mỹ định hình lại vai trò của mình trong trật tự thương mại quốc tế mới, đồng thời dùng để đo lường sự hợp tác chiến lược từ các quốc gia đối tác.

Đặc biệt, điểm nhấn của thỏa thuận Mỹ - Anh là các điều khoản về an ninh chuỗi cung ứng, trong đó, Mỹ yêu cầu các nước phải điều chỉnh sở hữu doanh nghiệp trong ngành thép, dược phẩm và công nghệ cao nhằm loại bỏ sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây không còn là một thỏa thuận thương mại đơn thuần, mà mang màu sắc địa chính trị và chiến lược lâu dài, nơi Mỹ tìm cách “tái cấu trúc” chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn.

Mỹ và EU từ dè dặt đến “cùng nhau chống Trung Quốc”

Trong giai đoạn đầu của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, EU tỏ ra thận trọng trong việc tiến hành đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, trước sức ép gia tăng từ Trung Quốc và áp lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng sau đại dịch, EU bắt đầu thay đổi lập trường. Các cuộc tiếp xúc gần đây đã hé lộ một hướng đi mới: Mỹ và EU có thể cùng lúc áp đặt thuế lên một số mặt hàng của Trung Quốc, nhằm phân tán rủi ro và tái thiết lại thế cân bằng quyền lực kinh tế toàn cầu.

PGS-TS. Nguyễn Thu Trang - Trường Luật Beasley thuộc Đại học Temple (Mỹ) nhận định: “Việc EU dần đồng thuận với Mỹ không chỉ là chuyện thuế quan, mà phản ánh sự chuyển dịch chiến lược, từ một châu Âu độc lập trong thương mại sang một châu Âu chú trọng an ninh kinh tế và ràng buộc công nghệ”. Bà cũng lưu ý, các hiệp định thương mại như USMCA đang có xu hướng “review procedures” (xem xét định kỳ), thay vì cố định dài hạn. Điều này cho phép Mỹ giữ thế chủ động, duy trì ưu thế kiểm soát lâu dài trong trật tự thương mại toàn cầu.

Nhóm “vành đai quan sát”: từ dè chừng đến thận trọng tính toán

Ngoài hai nhóm đối tác lớn là EU và Trung Quốc, các quốc gia thuộc nhóm “vành đai quan sát” như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước trong khu vực ASEAN cũng có những phản ứng linh hoạt. Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước chủ động đàm phán sớm với Mỹ, nhưng kết quả lại không mấy rõ ràng do nhiều bất đồng liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ và cơ chế bảo hộ đầu tư.

Ấn Độ thậm chí từng đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho thấy các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không dễ dàng nhượng bộ, đặc biệt khi họ cảm thấy bị đặt vào thế bất lợi. Trong khi đó, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á đang “nghe ngóng” để tận dụng các điều khoản có lợi, nhưng cũng lo ngại nguy cơ trở thành “trạm trung chuyển” cho hàng hóa Trung Quốc né thuế - một trong những điểm nóng hiện nay liên quan đến vấn đề “transshipment” (mượn đường xuất khẩu).

Trung tâm của mọi bàn cờ vẫn là Trung Quốc - đối thủ lớn nhất mà Mỹ đang nhắm tới thông qua các chính sách thương mại đa tầng. Từ kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn, hạn chế chuyển giao công nghệ cho đến việc thúc đẩy liên minh kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu, tất cả đều nhằm “bao vây” Trung Quốc về mặt công nghệ. Tuy nhiên, TS. Hồ Quốc Tuấn cho rằng: “Hiệu quả của các chính sách bao vây công nghệ còn là dấu hỏi lớn, vì thực tế, Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận công nghệ qua con đường gián tiếp - các nước thứ ba”.

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là tiêu chuẩn “chuyển đổi đáng kể” (substantial transformation), sẽ trở thành điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới. Theo đó, chỉ những sản phẩm thực sự được chế biến lại, có giá trị gia tăng rõ ràng tại nước trung gian thì mới được công nhận xuất xứ mới. TS. Nguyễn Thu Trang khẳng định: “Dù sau này chính phủ Mỹ có thay đổi thì vấn đề xuất xứ hàng hóa vẫn sẽ là điểm cốt lõi trong mọi thỏa thuận, vì nó gắn chặt với an ninh kinh tế”. Điều này buộc nhiều quốc gia phải xem lại hệ thống kiểm soát và minh bạch hóa chuỗi cung ứng.

Khái niệm “bình thường mới” từng được sử dụng nhiều trong giai đoạn hậu Covid-19, giờ đang tái hiện trong thương mại toàn cầu. Thế giới bước vào một thời kỳ mà sự bất định là trạng thái thường trực. Từ chính sách thuế quan đến xu hướng chuyển đổi xanh, từ việc kiểm soát chuỗi cung ứng đến bảo vệ công nghệ cốt lõi, tất cả đang diễn ra trong một cấu trúc mới - nơi luật chơi đang được viết lại.

“Cuộc chiến thuế quan bây giờ mới là điểm khởi đầu, và chưa biết bao giờ là kết thúc”, nhà báo Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khẳng định khi khép lại buổi tọa đàm. Quả thực, rất khó để nói điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày tạm hoãn thuế. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn: Thương mại toàn cầu đang đứng trước một bước ngoặt, nơi các quốc gia buộc phải hành xử linh hoạt hơn, chiến lược hơn, và đồng thời, gắn kết hơn trong một thế giới ngày càng phân mảnh.

Huỳnh Hoàng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/90-ngay-cho-mot-canh-bac-toan-cau-bai-1-318367.html