90 ngày nước rút
Theo kế hoạch, cuối tháng 10 tới đây, Đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU (khai thác hải sản có trách nhiệm). Đây sẽ là lần EC có quyết định xem có tháo gỡ thẻ vàng IUU đối với Việt Nam hay không.
Trước đó, EC đã có hai lần sang Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện khai thác hải sản có trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) trong nước, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Như vậy, chỉ còn khoảng hai tháng nữa để các DN Việt Nam “chạy nước rút” hoàn thiện những vấn đề còn dang dở trong việc thực hiện khai thác nguồn lợi thủy hải sản trách nhiệm.
Có chuyển biến, nhưng chậm! Đó là những diễn biến của ngành thủy sản trong việc thực hiện tháo gỡ thẻ vàng IUU mà phía Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh cáo chúng ta vào hồi tháng 10 năm 2017.
Tính từ thời điểm chúng ta bị EC “treo” thẻ vàng (tháng 10/2017) đến thời điểm này đã được gần 2 năm. Có thể khẳng định, trong thời gian vừa qua, các nhà quản lý từ cấp trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng DN trong ngành thủy sản, ngư dân đều đã nỗ lực hết sức nhằm mục đích cao nhất là “thoát” khỏi “án” thẻ vàng, giành lại thẻ xanh cho ngành thủy sản nước nhà. Trong đó phải kể đến việc lãnh đạo ngành thủy sản ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai những giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC. Theo đó, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bản thân Chính phủ cũng đã phải vào cuộc yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (BCĐ quốc gia về IUU). Và liên tiếp trong thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự sát sao của Chính phủ đối với vấn đề này.
Chúng ta biết rất rõ, một trong những điều kiện có tính chất quyết định có gỡ bỏ được tấm thẻ vàng hay không chính là việc có chấm dứt được tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài hay không. Trước đây, tình trạng vi phạm khai thác tại các vùng biển nước ngoài, khai thác nguồn lợi hải sản một cách tự phát và không theo quy củ, khai thác kiểu tận diệt … chính là những điểm bất cập. Chính bởi vậy, nếu loại bỏ được những điểm nghẽn nói trên, khả năng chúng ta loại bỏ thẻ vàng, giành lại thẻ xanh là rất khả thi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong vòng gần 2 năm qua, kể từ thời điểm EC cảnh báo thẻ vàng đến nay, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Con số thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2018 xảy ra 85 vụ ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng so với năm 2017. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2019, tình trạng vi phạm tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, có tới hơn 40 vụ với 69 tàu và 271 ngư dân vi phạm.
Tuy nhiên, con số được cung cấp bởi Bộ Ngoại giao còn cao hơn. Thống kê của Bộ này cho biết, năm 2018 Việt Nam bảo hộ 118 vụ/189 tàu/1.589 ngư dân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, phải bảo hộ 72 vụ/122 tàu/1.015 ngư dân, số vụ xảy ra nhiều nhất là tại Indonesia và Malaysia. Con số này cao gần gấp đôi so với con số do Tổng cục Thủy sản cung cấp. Những con số trên cho thấy, một bộ phận ngư dân vẫn chưa ý thức được việc tàu cá của chúng ta nếu vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ để lại hậu quả lớn thế nào.
Khai thác thủy hải sản nếu có trách nhiệm không chỉ có lợi cho chính nền kinh tế biển của nước nhà mà đây còn là “tấm thẻ” quan trọng để chúng ta có thể xuất khẩu thủy sản bền vững ra các thị trường thế giới. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã từng khẳng định: Phải coi việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu để gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đồng thời cũng là một bước quan trọng để phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Có thể khẳng định, tháng 10 tới đây sẽ là thời điểm quyết định ngành thủy sản nước nhà có giành được tấm thẻ xanh hay không. Thời gian không còn nhiều, chỉ còn gần 3 tháng, tức là khoảng 90 ngày nữa thôi. 90 ngày để chúng ta “chạy nước rút”. Song, đến thời điểm này, những việc mà chúng ta làm được đã đủ sức thuyết phục hay chưa? Nói như đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), chúng ta mới làm tốt và hoàn thiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu phải quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản… vẫn chưa được như kỳ vọng.Đó là vấn đề rất cần phải được quan tâm.
Tuy nhiên, chỉ riêng nhà quản lý nỗ lực thôi là không đủ, chính mỗi ngư dân đều phải ý thức được cho mình việc đánh bắt, khai thác nguồn hải sản phải hết sức có trách nhiệm. Bởi nếu không, khi án phạt thẻ đỏ được EC đưa ra, không chỉ bản thân DN, ngư dân bị ảnh hưởng mà lợi ích cả quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, để có thể giành lại tấm thẻ xanh cho ngành thủy sản nước nhà, rất cần sự chung tay, đồng thuận của cả cộng đồng, cả nhà quản lý, cả DN và cả bà con ngư dân.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/90-ngay-nuoc-rut-tintuc443450