Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Xu hướng mới trong thương mại quốc tế và những lợi thế từ các FTA mang tới nhiều tiềm năng xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội, cần có các chính sách hỗ trợ hiệu quả và sự chuyển đổi, thích ứng phù hợp của chính các doanh nghiệp.
Sáng 15/11, tại Hưng Yên, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - giải pháp nào cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa?”.
Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI); đại diện Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cùng các diễn giả đến từ các cơ quan ban ngành, Hiệp hội doanh nghiệp và hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết: Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu song trong những tháng cuối năm 2024, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm vẫn đối mặt với những thách thức như: diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề, nhất là sau cơn bão Yagi… Đứng trước khó khăn, các doanh nghiệp dù ở ngành nào cũng đều mong muốn được tiếp cận những hỗ trợ thuận lợi hơn, do đó VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các thông tin cần thiết về các giải pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu, trong đó có tiếp cận các giải pháp tài chính thông minh, phù hợp nhằm tối ưu chi phí, đảm bảo các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vững vàng đón nhận những cơ hội giao thương quốc tế trong thời gian tới.
Ông Lâm Đức Thuấn, Phó trưởng Ban, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cũng nhấn mạnh: “Với sự ổn định chính trị, cùng với những đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Vì thế các doanh nghiệp phải nắm bắt được thời cơ này, có những giải pháp đổi mới sáng tạo, có hướng đi đúng đắn, thiết thực để tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu thị trường”.
Tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã thông tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu hiện nay, bối cảnh và xu hướng trong thương mại quốc tế - tiềm năng và giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chia sẻ về xu hướng trong thương mại quốc tế hiện nay, ông Trần Thanh Hải cho biết: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 khiến nhiều nhà sản xuất nhận ra không nên phụ thuộc vào một điểm sản xuất cố định, dẫn tới làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh việc các nhà sản xuất nước ngoài rời Trung Quốc, mà ngay cả các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm và thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán rủi ro.
Về triển vọng năm 2025, ông Trần Thanh Hải dự báo: Thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát tại các thị trường giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú; thu hút FDI đạt kết quả tốt; Các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện... Do đó dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới Quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.
Tuy nhiên, những thách thức là các "hàng rào kỹ thuật" mới cần nhận diện rõ, đó là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu và hạn chế các thách thức, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước; Tìm hiểu, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; Đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, tiến ra thị trường quốc tế. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế...
Từ góc độ tổ chức tín dụng, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, VietinBank đã ban hành nhiều chương trình, gói lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu được thụ hưởng các gói tín dụng ưu đãi đặc thù.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và các doanh nghiệp cũng tập trung thảo luận về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, tiềm năng và các chính sách, giải pháp phát triển thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất nhập khẩu, về các chính sách, diễn biến tỷ giá và các giải pháp tài chính dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cũng như biến động logicstics: giải pháp thích ứng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu...
Trao đổi về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, ThS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết: Kinh tế toàn cầu phục hồi, mạng lưới các FTA đã tạo thêm cơ hội để gia tăng xuất khẩu, gắn với đà phục hồi của chuỗi cung ứng ở châu Á. Tuy nhiên, bên cạnh đó là thách thức từ xu hướng phát triển bền vững, việc gia tăng các biện pháp thương mại tại nhiều thị trường...
Trong khi đó, quá trình chuyển đổi xanh còn tương đối chậm, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của doanh nghiệp với các quy định về phát triển bền vững ở một số thị trường chính. Việc tiếp cận vốn theo chuỗi giá trị chưa phổ biến ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán còn khiêm tốn; khó tiếp cận vốn vay ngoại tệ để nhập khẩu đầu vào, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu; Quy định pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung vào một số hình thức như bao thanh toán, thư tín dụng,...
Do đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường và đề ra kế hoạch ứng phó; Nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh doanh mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số,...); Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với các xu hướng, quy định mới (CBAM, EUDR, bảo vệ dữ liệu cá nhân,...); Đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp từ các đối tác (các cơ quan nhà nước khó có thể đưa ra đề xuất hỗ trợ cụ thể từ đối tác)...
Đối với Nhà nước, cần chủ động theo dõi, đánh giá các xu hướng, quy định mới để thông tin phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp; Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng chiến lược tận dụng hiệu quả các ưu đãi trong các FTA; Hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp (không trái với cam kết quốc tế và được phép theo các điều ước quốc tế), xây dựng các chương trình, sáng kiến giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh các quy định có tính thích ứng với các xu hướng mới (hài hòa hóa với các tiêu chuẩn quốc tế có cân nhắc tới năng lực thích ứng của doanh nghiệp trong nước); Tham gia xây dựng các luật chơi quốc tế phù hợp trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Trong khi đó, từ góc độ hoạt động Logistics, ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần sử dụng dịch vụ kho bãi linh hoạt, áp dụng các kho ngoại quan, kho chung (fulfillment center) để giảm chi phí lưu trữ và tăng tốc độ xử lý hàng hóa; Đảm bảo tính bền vững và thân thiện môi trường, áp dụng giải pháp logistics xanh, giảm lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh theo hướng tối ưu hóa sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải; Tối ưu hóa lộ trình và phương thức vận tải thông qua kết hợp đa phương thức vận tải (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt) để tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển.
Mặt khác, trong hoạt động, các doanh nghiệp cần chú trọng quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, thiết lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro khi gặp các sự cố bất ngờ như biến động giá dầu, thay đổi chính sách thuế, hoặc thiên tai. Nghiên cứu phương án tăng tỷ lệ thuê ngoài logistics để tăng tính chuyên môn hóa, giảm tỉ lệ hao hụt, tổn thất. Kết hợp với các doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ logistics và hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để tận dụng lợi thế nhờ quy mô; tạo sức mạnh của mạng lưới chủ hàng (buyer’s power)...