90 ngày và hơn thế nữa
Cuối cùng thì Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hạ nhiệt cơn sốt thuế đối ứng bằng quyết định hoãn áp dụng mức thuế này trong 90 ngày với hầu hết các nước (trừ Trung Quốc) để mở đường cho các phiên đàm phán. Đây thật sự là tin vui, là khoảng thời gian vàng để các doanh nghiệp chuẩn bị các kịch bản cho những bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp vẫn luôn kỳ vọng là sau khoảng thời gian vàng trên sẽ là một mức thuế phù hợp hơn cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.
Dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, các doanh nghiệp không chỉ "sốc", mà còn cảm thấy "choáng" với mức thuế này. Sở dĩ doanh nghiệp cảm thấy "choáng" nhiều hơn "sốc" là bởi trước đó, hầu hết đều dự đoán mức thuế này cao nhất cũng chỉ quanh quẩn ở mức trên dưới 10%. Với dự đoán trên, đã có doanh nghiệp tôm lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận khá cao so với năm 2024. Không những thế, có doanh nghiệp tôm còn xây dựng kế hoạch vùng nuôi cá rô phi để chế biến, xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra.

VinaCleanfood vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thị trường để vượt qua giai đoạn khó. Ảnh: TÍCH CHU
Trong những năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu tôm truyền thống lớn nhất của Việt Nam, khi chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, với giá trị kim ngạch dao động từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD. Theo các doanh nghiệp, nếu mức thuế 46% không được điều chỉnh giảm như kỳ vọng sau đàm phán, thì câu chuyện rút khỏi thị trường Mỹ không còn là viễn cảnh. Một doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng chia sẻ: “Con tôm Việt Nam vốn đã rất vất vả trong cạnh tranh với tôm giá rẻ Ecuador và Ấn Độ tại thị trường Mỹ, nay phải gánh thêm mức thuế rất cao so với 2 đối thủ này (Ấn Độ 26% và Ecuador chỉ 10%) thì làm sao trụ được ở thị trường này”.
Theo thống kê nhanh, sơ bộ và chưa đầy đủ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong buổi sáng ngày 3/4 ngay khi có thông tin Mỹ áp mức thuế cao 46%, có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ và khoảng 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 - 5/2025. Cùng với đó là các đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025, với tổng sản lượng vào khoảng 38.500 tấn. Với quyết định hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% trong thời gian 90 ngày mới đây của Tổng thống Mỹ đã giúp 37.500 tấn thủy sản đang trên đường tới Mỹ và 38.500 tấn dự kiến giao trong tháng 4 và tháng 5 thoát được mức thuế cao này, dù vẫn phải chịu mức thuế 10% như hầu hết các quốc gia khác.
Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Trong bối cảnh cạnh tranh cao và thuế chống bán phá giá, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là DDP(giao hàng tận kho) khi xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ. Do vậy, mức thuế mới khiến cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hoang mang lo ngại về khả năng mất thị trường lớn này.
Nút thắt đầu tiên đã được tháo gỡ, nỗi lo của doanh nghiệp cũng được vơi đi phần nào. Mục tiêu đầu tiên mà Chính phủ và doanh nghiệp kỳ vọng đã đạt được. Vấn đề tiếp theo là làm sao đưa thuế đối ứng về mức đủ để hàng hóa Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ mới là mục tiêu chính, là sự kỳ vọng lớn hơn mà cả Chính phủ và doanh nghiệp mong muốn đạt được. Các cuộc đàm phán tới đây về thỏa thuận thuế đối ứng và xa hơn là hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ còn gay go, phức tạp, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào một kết quả tốt đẹp hơn sẽ đến sau các cuộc đàm phán này.
Bên cạnh sự kỳ vọng vào các cuộc đàm phán giữa chính phủ hai nước sẽ đạt được kết quả tích cực, các doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood) cho biết, VinaCleanfood đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu để bù đắp cho các đơn hàng ở thị trường Mỹ nếu mức thuế đối ứng không được thay đổi theo hướng mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều cho biết, việc điều chỉnh kế hoạch doanh số, lợi nhuận năm 2025 gần như là điều phải làm, nhưng quan trọng hơn là việc tìm hướng đi mới, thị trường mới, trong đó việc tập trung khai thác tốt lợi thế từ những thị trường đã có FTA với Việt Nam.
Khó khăn là điều không thể tránh khỏi, nhưng niềm tin cũng đã được thắp lên và đây mới chính là điều quan trọng giúp doanh nghiệp không những thêm vững tâm vượt qua khó khăn, thách thức mà còn biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vượt lên cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202504/90-ngay-va-hon-the-nua-444775c/