906 giáo viên mầm non hợp đồng ở Hà Tĩnh kêu cứu ngay trước năm học mới
Trong đó, có cô giáo dù được Bộ trưởng giáo dục tặng bằng khen thì vẫn có nguy cơ mất việc như thường...
Các giáo viên mầm non hợp đồng 2059 đi về đâu?
Một trong những lý do để các thầy cô hoang mang, lo lắng là Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 về việc: “Sửa đổi bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”.
Từ ngày 1/7, giáo viên sẽ phải ký lại hợp đồng lao động, có người mất việc?
Theo đó, từ nay “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên”.
Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019, gia hạn thêm 06 tháng cho những địa phương “đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày ban hành Nghị định này…”.
Như vậy, với Nghị định 161, đội ngũ 906 giáo viên mầm non hợp đồng 2059 tại Hà Tĩnh, trước thềm năm học mới có nguy cơ mất việc: “Biên chế không biết chúng em có cơ hội hay không, nhưng nếu không còn được hợp đồng nữa thì chúng em không biết sẽ đi đâu, về đâu?”, một cô giáo dàn dụa nước mắt, phàn nàn, nức nở.
Lực lượng nòng cốt của ngành học mầm non
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giáo viên hợp đồng 2059 là những giáo viên được Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định 2059 hợp đồng giảng dạy tại các trường mầm non bán công, công lập trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cô Nguyễn Thị Hải Lý - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đánh giá: “Là người trực tiếp quản lý ngành học, tôi đánh giá rất cao đóng góp của đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng 2059.
Đây không chỉ là lượng nòng cốt trong phong trào dạy - học mà còn là lực lượng say mê nghiên cứu khoa học, đúc rút kinh nghiệm, tự học tự bồi dưỡng, làm đồ dùng dạy học.
Ở bất cứ nhiệm vụ nào, giáo viên mầm non hợp đồng 2059 cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Được biết trong số 906 giáo viên hợp đồng, hàng trăm cô giáo đã giành được giải trong các cuộc thi giáo viên giỏi trường, huyện tỉnh. Có nhiều cô giáo nỗ lực cố gắng đạt được thành tích xuất sắc.
Có thể kể tên một vài giáo viên tiêu biểu, đó là cô Tôn Thị Tâm (giáo viên mầm non Thiên Lộc, Can Lộc); Nguyễn Thị Thúy Hằng (giáo viên mầm non Kỳ Thư, Kỳ Anh); Phan Thị Thảo (giáo viên mầm non Đức Đồng, Đức Thọ); Phan Thị Thương (giáo viên mầm non Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh); Lê Thùy Chi (giáo viên mầm non thành phố Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Tuyết (giáo viên mầm non Xuân Yên, Nghi Xuân)…
Đặc biệt cô giáo Tôn Thị Tâm được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì những thành tích nổi bật.
Năm học 2018-2019, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (giáo viên mầm non Kỳ Thư, Kỳ Anh) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về những nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng 2059 hầu hết trải qua 03 đến 13 năm, say mê, nhiệt huyết, đang trong độ chín của nghề nghiệp.
Theo số liệu của Phòng Giáo dục mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cung cấp, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 2881 nhóm lớp công lập.
Đến thời điểm tháng 3/2019 tổng giáo viên biên chế là 3.487.
Nếu tính cả 906 giáo viên hợp đồng 2059 tỷ lệ đạt 1,75 giáo viên/ lớp.
Vì vậy tình trạng quá tải đối với ngành học mầm non đã diễn ra những năm qua.
Mặc dù vậy giáo viên mầm non trong đó có 906 giáo viên hợp đồng 2059 đã nỗ lực cố gắng.
Ngày làm việc của họ bắt đầu từ 6h30 đón cháu và đến 17h30, thậm chí nhiều khi muộn hơn, vì phải chờ phụ huynh đón cháu hết mới được ra về.
Ngoài trực tiếp giảng dạy, họ góp phần quan trọng tổ chức đời sống bán trú cho 72.371 trẻ và tham gia tích cực vào mọi hoạt động của nhà trường và địa phương.
Những thiệt thòi của giáo viên mầm non hợp đồng 2059
Những thiệt thòi ấy có khi đến từ lãnh đạo cơ sở. Có trường, giáo viên hợp đồng 2059 không được đề bạt, cất nhắc mặc dù năng lực và uy tín có thừa.
Là giáo viên giỏi nhiều năm, nhưng một số cô giáo không được đi tiếp thu chuyên đề về truyền thụ lại cho đồng nghiệp.
Trong mắt của một số hiệu trưởng, hiệu phó, một số giáo viên hợp đồng 2059 bị đối xử bất bình đẳng…
Khát khao của đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng 2059 là phấn đấu để được vào biên chế. Nhưng mơ ước ấy, không hiểu vì sao với họ còn xa vời…
Nhiều người đã từng tham gia thi tuyển viên chức đến lần thứ ba, nhưng cả ba lần đều không thể đỗ, mặc dù bài thi làm tốt.
Gần đây, tại các huyện tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên mầm non nhưng đội ngũ giáo viên mầm non 2059 chẳng những không được ưu tiên mà hầu hết hội đồng thi tuyển các huyện vận động họ rút đơn không tham gia kỳ thi với lí do, nào là sắp tới sẽ được xét tuyển đặc cách nhưng đặc cách chẳng thấy đâu, chỉ thấy nguy cơ chấm dứt hợp đồng hiện hữu.
Nghị định 29/2012/NĐ-CP về về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại điều 14, khoản 1, điểm a quy định điều kiện xét tuyển đặc cách:
a) Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
Nghị quyết 54/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2018 đã được Chính phủ ban hành ngày 10/05/2018: “Đối với trường hợp ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ, nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện tuyển dụng vào viên chức; ưu tiên với người đã ký hợp đồng lâu năm, có năng lực, phù hợp với vị trí cần tuyển dụng”.
Nhưng không hiểu tại sao, tại văn bản số 4355/UBNC-NC1 “Về việc tuyển dụng giáo viên bậc học mầm non, tiểu học” ngày 25/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo:
“Việc xét tuyển đặc cách do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và chỉ áp dụng đối với những người tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy loại giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ ngành sư phạm, các trường hợp hợp đồng theo Quyết định số 3604/QĐ-UBND ngày 24/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định tạm thời về giải quyết việc làm đối với con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng trên địa bàn tỉnh và những người được bố trí hợp đồng giảng dạy tại các trường mầm non từ thời điểm Thông tư số 11/2009/TT-BGD&ĐT ngày 08/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trình tự chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tư thục có hiệu lực trở về trước (23/6/2009)”.
Ngày 07/03/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Kết luận thanh tra số 169/KL-BGD&ĐT ngày 07/03/2019 về “Trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh” đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong đó có thiếu sót:
“Chưa xem xét đối với những giáo viên có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng (trong đó có đối tượng hợp đồng lao động theo Quyết định số 2059 đã có quá trình là việc và cống hiến trong ngành giáo dục nhiều năm và có nhiều thành tích trong giảng dạy trên địa bàn tỉnh)”.
Điều kì lạ là mặc dù có Nghị quyết, Nghị định của Đảng và Nhà nước chỉ đạo, có kết luận của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đối tượng giáo viên hợp đồng 2059 tại Hà Tĩnh vẫn không được các hội đồng thi tuyển viên chức mầm non đặc cách xét tuyển.
Vì vậy 906 giáo viên hợp đồng 2059 mất cơ hội để được tuyển chính thức.
Cực chẳng đã, cô Tôn Thị Tâm (giáo viên mầm non Thiên Lộc, Can Lộc) đã đội đơn đi kêu cứu và đỉnh điểm là ngày 25/09/2018 cô Tôn Thị Tâm đã làm đơn gửi Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau khi nhận được đơn thư của cô Tôn Thị Tâm, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 9976/VPCP-KSTT ngày 15/10/2018 “chuyển đơn kiến nghị của bà Tôn Thị Tâm (Địa chỉ: Hòa Thịnh, xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) đến Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, giải quyết, trả lời bà Tôn Thị Tâm theo thẩm quyền…”.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, trả lời kiến nghị của bà Tôn Thị Tâm.
Ngày 08/11/2018, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã có trả lời đăng trên Cổng thông tin Chính phủ trong đó có đoạn: “Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang xem xét, khi có văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ xem xét trường hợp của bà Tôn Thị Tâm”.
Như vậy, theo 169/KL-BGD&ĐT, không chỉ cô Tâm mà giáo viên mầm non hợp đồng 2059 có đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách.
Nhưng kỳ lạ là bốn (04) tháng sau, Ủy ban nhân dân huyện Can Lộc tổ chức thi tuyển dụng hai mươi tám (28) giáo viên mầm non, đối tượng 2059 như cô Tâm vẫn không được xét tuyển.
Bức xúc, cô đã bỏ không tham dự kỳ thi tuyển do Ủy ban nhân dân huyện Can Lộc tổ chức vào ngày 22/7 vừa rồi.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng Can Lộc mà hầu hết các huyện trên địa bàn toàn tỉnh, giáo viên viên mầm non hợp đồng 2059 không được ưu tiên xét tuyển.
Như vậy, trước thềm năm học mới 2019-2020, 906 giáo viên mầm non hợp đồng 2059 chưa biết tương lai sẽ ra sao?
Mặc dù, tại Hà Tĩnh năm học 2019-2020, do thiếu giáo viên mầm non trầm trọng nên tuyển sinh đang là áp lực nặng nề với các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh và việc bố trí tỷ lệ giáo viên đứng lớp chưa đạt 2,2 -2,5 giáo viên/lớp như quy định 06/TTLT/ BNV-BGD&ĐT.
Dự báo, do thiếu giáo viên nên một số địa phương, trẻ dưới 3 tuổi khó có cơ hội đến trường.
Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp giải quyết vấn đề thiếu đội ngũ giáo viên trong đó có 906 giáo viên mầm non hợp đồng 2059.