91,51% đại biểu biểu quyết nhất trí thông qua Luật Thư viện

Chiều ngày 21-11, với 91,51% đại biểu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Thư viện.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 21-11, với 91,51% đại biểu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Thư viện.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và đóng góp ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Thư viện quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Về nguyên tắc hoạt động của thư viện, Luật quy định lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân. Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện.

Luật được thông qua cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện. Cụ thể, lợi dụng hoạt động thư viện để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín; lôi kéo người sử dụng thư viện vào tệ nạn xã hội.

Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua luật (ảnh QH)

Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua luật (ảnh QH)

Đồng thời, nghiêm cấm cung cấp tài nguyên thông tin thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; hạn chế quyền tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng thư viện trái với quy định của pháp luật.; Chiếm dụng, đánh tráo, hủy hoại, làm hư hỏng tài nguyên thông tin…

Theo luật, Nhà nước ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; Hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; Tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đối với phát triển thư viện số, Luật quy định, xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện. Xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện.

Sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số, thiết kế giao diện thông minh; bảo đảm tính mở, liên thông trong tra cứu, khai thác và chuyển đổi dữ liệu giữa các hệ thống lưu trữ dữ liệu; hỗ trợ cấp quyền truy cập, khai thác tài nguyên thông tin số cho người sử dụng thư viện. Cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin là dữ liệu và các dạng khác…

Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2020.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/9151-dai-bieu-bieu-quyet-nhat-tri-thong-qua-luat-thu-vien-170920.html