98,82% đồng bào dân tộc thiểu số ở Nậm Pồ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Nhờ nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm này toàn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có 98,82% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên, đánh giá cao hiệu quả sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ.
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Nậm Pồ đã đầu tư xây dựng 34 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; tổng vốn đầu tư 103,26 tỷ đồng.
Với việc có thêm 34 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây mới đã nâng số công trình cấp nước trong huyện lên 108 công trình; bảo đảm cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 98,82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện.

Sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ còn giữ được nguồn nước để sản xuất lúa ruộng, trồng cây màu.
Để bảo đảm sử dụng hiệu quả các công trình sau đầu tư, hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ đều chỉ đạo, hướng dẫn các xã quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình cấp nước tập trung sao cho đáp ứng đồng thời yêu cầu đủ nước sinh hoạt, sản xuất, nhưng phải hiệu quả lâu dài. Hiện tại, toàn huyện có 15/15 xã đã thành lập tổ, hội dùng nước với tổng số 218 thành viên trực tiếp quản lý, vận hành các công trình nước đã được đầu tư xây dựng tại địa bàn.
Khái quát điều kiện tự nhiên ở Nậm Pồ, ông Hạng Nhè Ly, cho biết: Nậm Pồ có biên giới dài, địa hình đồi núi chạy dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông; với độ cao từ 200 đến 1.800m. Xen kẽ giữa các dãy núi có các dạng địa hình thung lũng, sông suối, thềm bãi bồi phân bố rộng khắp trên địa bàn, nhưng diện tích nhỏ, hẹp làm ảnh hưởng khả năng giữ nước và tưới tiêu cho đất ruộng, hoa màu.
Thấy rõ thực trạng địa hình ảnh hưởng sản xuất, đời sống của bà con nhân dân các dân tộc, đặc biệt là người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, sống nhờ nương rẫy, cho nên cùng với đầu tư phát triển giao thông, điện, trường học, thời gian qua, Nậm Pồ dành sự ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đến từng bản, cụm dân cư. Sau đầu tư xây dựng mới, hàng năm huyện đều dành kinh phí duy tu, sửa chữa hư hỏng nhỏ tại các công trình.

Cán bộ, nông dân huyện Nậm Pồ trồng cây ở khu vực đập đầu mối để giữ gìn nguồn nước cho các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng các công trình nước trên địa bàn, ông Hạng Nhè Ly cho rằng: Cơ bản người dân đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn, sử dụng các công trình nước tập trung, bởi vậy sau đầu tư các công trình đều phát huy hiệu quả, thời gian sử dụng lâu dài.
“Không chỉ bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân thuận lợi hơn, việc đầu tư, sử dụng hiệu quả các công trình nước đã góp phần quan trọng đưa Nậm Pồ vào nhóm huyện vùng cao, biên giới đáp ứng tiêu chí số 17-Môi trường và an toàn thực phẩm trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Hạng Nhè Ly cho biết thêm.
Trực tiếp kiểm tra, giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung tại huyện Nậm Pồ vừa qua, đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên, đánh giá: Các công trình cấp nước đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn, cải thiện tỷ lệ tiếp cận nước hợp vệ sinh và hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nậm Pồ.

Đồng chí Giàng Thị Hoa cùng thành viên đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên kiểm tra tại đập đầu mối công trình cấp nước sinh hoạt bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ.