Trung tâm Dịch vụ miền núi phấn đấu tổng doanh số năm 2025 đạt 43 tỷ đồng
Trung tâm Dịch vụ miền núi (Trung tâm) thuộc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cho biết, năm 2025 Trung tâm đã triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm, theo đó Trung tâm đã yêu cầu lãnh đạo các phòng tập trung chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, trợ cước vận chuyển với tổng diện tích đầu tư là 1.750 ha, trong đó bắp lai 1.500 ha, lúa nước 250 ha.

Mua sắm ở xã vùng cao. Ảnh tư liệu
Theo kế hoạch, dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa đầu tư ứng trước lúa giống là 12 tấn, bắp giống là 12 tấn, phân hóa học 600 tấn, dịch vụ bao tiêu sản phẩm bắp lai thương phẩm 6.000 tấn. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cao su theo đúng quy trình kỹ thuật với lượng thu mua mủ cao su đạt 15 tấn. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các đơn vị cung ứng giống, vật tư và UBND các xã có thực hiện đầu tư ứng trước tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bắp lai, lúa nước. Thực hiện từ 1 đến 2 mô hình trình diễn giống bắp lai mới. Đồng thời, tiếp tục tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN) giai đoạn 2021- 2025 khi được giao nhiệm vụ, phấn đấu tổng doanh số năm 2025 đạt 43 tỷ đồng. Thời gian qua, chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư do trung tâm thực hiện đã khơi dậy ĐBDTTS và MN ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện dân sinh kinh tế -xã hội vùng ĐBDTTS. Bình Thuận là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên địa bàn, những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây đã thực sự khởi sắc. Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước được thu hẹp dần. Phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập. Với việc xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận tiến hành hàng loạt các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức, triển khai kịp thời các chính sách giảm nghèo bền vững, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo… Mục đích nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Đặc biệ là các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS và MN được thực hiện có hiệu quả toàn diện trên các mặt dân sinh, kinh tế, xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội tiếp tục được đầu tư xây dụng đồng bộ. Quỹ đất nông nghiệp được tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS và MN có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp, trạm y tế có bác sĩ. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% xã vùng đồng bào DTTS và MN đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã, sử dụng điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông và nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ góp phần mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, thâm canh, tăng vụ, tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa được phát triển toàn diện, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được gìn giữ, phát huy, các thiết chế văn hóa được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được nâng cao, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Mạng lưới trường lớp trong vùng đồng bào DTTS và MN được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS được triển khai đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào DTTS và MN tiếp tục được củng cố, tăng cường và cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại chỗ. Đến nay, các xã thuần vùng DTTS của tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đặc biệt sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng phát huy.

Đồng bào dân tộc thiểu số thu hoạch bắp. Ảnh tư liệu
Với việc thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cùng với nhiều chính sách thiết thực khác đã và đang là động lực tạo nên diện mạo mới vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân vùng ĐBDTTS và MN trên địa bàn tỉnh.