99% F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội: Gom không xuể rác thải y tế?
Tại Hà Nội, dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp với hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong đó có đến 99% người F0 điều trị tại nhà, khiến việc thu gom rác thải sinh hoạt cho đối tượng này từ chỉ đạo đến thực tế còn cách xa nhau.
Chương Dương là phường có số ca mắc cao hàng đầu của quận Hoàn Kiếm, thế nhưng việc thu gom rác thải y tế của phần lớn F0 chưa được thực hiện.
Anh Phạm Trung (đường Bạch Đằng, phường Chương Dương) cho biết, cả gia đình anh 4 người mắc COVID-19. Sau khi báo với trạm y tế phường thì được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngoài ra, không có bất kỳ hướng dẫn nào về việc xử lý rác thải hàng ngày cho F0. “Thay vì ngày nào cũng đổ rác thì nay 2 ngày tôi mới đổ một lần để tránh tiếp xúc với hàng xóm. Tuy nhiên, rác của gia đình vẫn thu gom như mọi khi, không có gì thay đổi”, anh Trung nói.
Tương tự tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), nhiều hộ dân trong ngõ 55 phố Lê Quý Đôn có người nhà là F0 phải cách ly y tế tại nhà nhưng vẫn thường xuyên mang rác y tế gộp chung với rác sinh hoạt ra bãi tập kết rác đầu ngõ 55. Hầu hết F0 đều không nhận được hướng dẫn cụ thể, cũng không được hỗ trợ thu gom loại rác thải này.
Tại nhiều khu chung cư, việc thu gom rác y tế được triển khai bài bản hơn. Ông Kim cư dân tại chung cư N10 Hà Đô Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, công tác chống dịch, thu gom rác thải y tế tại tòa nhà được làm khá bài bản. Cư dân đã tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng để mua các công cụ, hóa chất phục vụ chống dịch. Mỗi gia đình có F0 chỉ cần để rác trước cửa nhà, đến giờ sẽ có nhân viên thu gom từng hộ rồi mang xuống dưới khử khuẩn, đóng ra túi riêng trước khi xe rác đến. “Dù quy trình ban đầu là vậy nhưng Cty vệ sinh lúc đến vẫn đổ hết vào chung một thùng vì họ không có xe thu gom riêng”, ông Kim nói.
Không đủ nhân lực thu gom
Được biết, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Phương án 01 để phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh nhằm đáp ứng “yêu cầu về bảo vệ môi trường, tránh lây lan dịch bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển”. Từ đó, mỗi quận, huyện đều đã có phương án thu gom, vận chuyển rác y tế riêng để chủ động triển khai.
Mới đây để tăng cường quản lí chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lí tại nhà, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lí chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch.
Tại quận Ba Đình, UBND quận đã có hướng dẫn cụ thể về việc phân loại chất thải tại nhà cho các trường hợp F0. Cụ thể, tất cả chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân COVID-19 phải được coi là chất thải lây nhiễm. Chất thải phải được đựng vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi, tiếp tục bỏ vào túi đựng màu vàng thứ 2, buộc chặt. Các túi phải dán nhãn: “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Đối với việc vận chuyển từ nhà F0, UBND quận giao cho Cty Môi trường đô thị phối hợp với tổ COVID cộng đồng tại các phường. Rác y tế được đưa đến các trạm y tế lưu động của quận và đơn vị chuyên thu gom chất thải y tế của Cty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) sẽ đến mang đi xử lý.
Trên thực tế, với số ca mắc tăng cao trên địa bàn Hà Nội, nhiều nơi không thể thu gom xuể mà phải gộp chung rác sinh hoạt với rác y tế.
Đại diện một đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt tư nhân trên địa bàn Hà Nội khẳng định: “Với số ca F0 tăng cao như ở Hà Nội hiện nay, không đủ nhân lực để thu gom xử lý hết trong trường hợp rác thải y tế được phân loại”. Chưa kể đơn giá xử lý rác thải y tế là gần 10 triệu đồng/tấn thì không ngân sách nào “gánh” nổi. Được biết, dù chỉ được phép thu gom rác sinh hoạt nhưng sau Tết Nguyên đán, đơn vị này đã phải hỗ trợ thu gom rác thải y tế của F0 cho các khu vực cần hỗ trợ. “Nếu không thu dọn, rác y tế phải lưu cữu chục ngày cũng chưa chắc đã có người thu”, vị này nhận định.
Trong khi đó, lãnh đạo Xí nghiệp Urenco 10 (một trong 2 đơn vị được cấp phép xử lý rác thải y tế tại Hà Nội) cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn 02 quy định việc thu gom rác y tế từ các hộ dân do địa phương chịu trách nhiệm. Thông thường do các tổ COVID-19 của các phường đảm nhiệm, lực lượng công nhân môi trường không đủ để thu gom. Sau đó, rác y tế được vận chuyển đến các khu y tế, khu thu dung tập trung... Từ đây, Urenco 10 sẽ có trách nhiệm thu gom rồi vận chuyển xử lý theo đúng quy định.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, trước sự “bùng nổ” F0 hiện nay, các địa phương cần tiếp tục bố trí ngân sách cho hoạt động phòng chống COVID-19, đặc biệt là việc thu gom chất thải y tế. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp vệ sinh môi trường để cập nhật phương án thu gom đối với chất thải phát sinh từ F0 đang cách ly tại nhà.