9X bỏ dở đại học về quê làm nông, mỗi năm thu 300 triệu đồng

Dù đang theo học đại học, 9x này vẫn quyết định bỏ dở con đường học vấn để về quê làm nông nghiệp. Hiện nay, anh sở hữu trang trại gồm vườn cây ăn quả và khu vực chăn nuôi, với thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Bất chấp phản đối của bố mẹ để theo đuổi đam mê

Nhớ lại những tháng ngày trước đây, anh Ngô Đình Tuấn (trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lại trầm ngâm suy nghĩ về quyết định táo bạo của mình. Khi còn đang là sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh bất ngờ xin nghỉ học để trở về quê khởi nghiệp. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình, anh vẫn theo đuổi đam mê nông nghiệp của mình.

“Lúc vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn ấp ủ sẽ khởi nghiệp với nông nghiệp nên tôi dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, tham quan các mô hình nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc để học hỏi. Mỗi lần được nghỉ học, tôi về quê mua cây giống về trồng trong vườn nhà”, anh nhớ lại quãng thời gian trước khi có quyết định về quê khởi nghiệp.

Khi quyết định trở về quê, gia đình anh Tuấn phản đối kịch liệt.

Ban đầu, bố mẹ anh Tuấn biết ý định của con trai mình nên rất lo lắng về sự vất vả của nghề nông và mong muốn anh tiếp tục học để thoát nghề “chân lấm tay bùn”. Tuy nhiên, sau nhiều tháng thuyết phục, cuối cùng, anh đã nhận được sự ủng hộ từ gia đình để bắt tay vào khởi nghiệp nông nghiệp.

Với số vốn ít ỏi từ công việc làm thêm khi còn học đại học, anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Anh tận dụng diện tích đất mía của gia đình và thuê thêm đất để trồng các loại cây như mít, bưởi Diễn. Tuy nhiên, những năm đầu khởi nghiệp, anh gặp không ít khó khăn và thất bại. Các loại cây giống không đạt hiệu quả như kỳ vọng khiến anh mất khá nhiều tiền.

Không nản chí, anh Tuấn tiếp tục thay đổi phương thức trồng trọt, bắt đầu ghép hơn 1.000 cây bưởi da xanh, cam, chanh trên gốc bưởi Diễn và trồng xen canh với ổi. Điều này giúp anh cải thiện năng suất vườn cây, đồng thời mang lại lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, anh cũng mở rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng và gà đẻ trứng, hình thành trang trại tổng hợp.

Qua thời gian, anh chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng đắn.

“Một người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm làm nông nên khi bắt đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vườn cây thì không đạt chất lượng như kỳ vọng, nuôi lợn rừng thì việc nhân giống cũng không đạt kết quả như mong muốn… Đợt đó, tôi ước tính mình mất cả 150 triệu đồng. Nhưng điều đó không làm tôi chùn bước, tôi lại tiếp tục vay vốn và đầu tư tiếp với quyết tâm sẽ thành công”, anh chia sẻ.

Biến đất cằn thành cơ ngơi bạc tỷ

Sau nhiều năm nỗ lực, trang trại của anh Tuấn hiện nay rất đa dạng, bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Trong trang trại rộng hơn 3ha, anh trồng bưởi diễn, ổi và nhiều loại cây ăn quả khác. Anh cũng nuôi lợn rừng, gà đẻ trứng, và phát triển trang trại theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm từ chăn nuôi để làm phân bón cho cây trồng. Điều này giúp anh giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Từ mảnh đất cằn cỗi, anh đã biến thành trang trại có giá trị cả tỷ đồng.

Hiện nay, mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 con lợn giống và lợn thương phẩm. Các sản phẩm cây ăn quả cũng đạt năng suất cao, mang lại nguồn thu ổn định. Sau khi trừ chi phí, anh Tuấn có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn liên kết với 4 trang trại vệ tinh, cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân trong vùng.

Anh cũng không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa các công đoạn từ trồng trọt đến chăn nuôi, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của trang trại. Nhờ việc liên kết với các trang trại khác và chia sẻ kiến thức, anh Tuấn đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân địa phương.

Anh cho biết nhờ mô hình này mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng.

“Tôi luôn tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua các trang mạng xã hội. Hiện tại, tôi cũng bán hàng qua các kênh online rất tốt vì cộng động người yêu thích các sản phẩm nông nghiệp của tôi khá đông”, anh chia sẻ.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cho biết mô hình nông nghiệp của Ngô Đình Tuấn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, dù mới chỉ xây dựng trong vài năm. Và anh Tuấn là một tấm gương điển hình cho tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, với cách làm sáng tạo và dám thử sức trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chính quyền địa phương kỳ vọng mô hình của anh Tuấn sẽ trở thành mô hình mẫu cho các thanh niên khác trong khu vực học hỏi và áp dụng, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Nguyễn Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/9x-bo-do-dai-hoc-ve-que-lam-nong-moi-nam-thu-300-trieu-dong-204242411054206534.htm