9X bỏ du học, về nước tìm thuốc bắc, lá cây... để nhuộm vải may cổ phục
Từng là du học sinh theo học ngành quy hoạch ở Đức, Nguyễn Đức Huy dừng việc học, lựa chọn quay về nước và bắt đầu với công việc phục chế cổ phục Việt.
Từ bỏ du học về may cổ phục
Một chiều ngày tháng 5, Nguyễn Đức Huy 28 tuổi (chủ cửa hàng cổ phục tại quận Long Biên) nhanh tay bốc phần tô mộc khô mới mua tại hiệu thuốc bắc về cho vào nồi, thêm nước cho lên bếp đun. 30 phút sau, nồi nước với màu đỏ sẫm được anh bắc ra ngoài, cho vào chậu, lấy tấm lụa màu đỏ nhạt mới được nhuộm qua một lần, Huy tiếp tục cho vào chậu nước, tay thoăn thoắt bóp nhẹ để màu thấm vào vải.
Huy nói, dù đã trải qua 2 lần nhuộm nhưng tấm lụa chưa đạt màu như mong muốn, nên vẫn phải nhuộm thêm vài lần.
Vừa nhuộm màu cho tấm lụa, Đức Huy kể mình đã có 4 năm theo đuổi việc phục chế cổ phục, những tấm lụa nhuộm này được anh dành để may cổ phục cho khách.
Năm 2015, anh sang Đức du học, hồi đầu anh theo học ngành quy hoạch, nhưng trong quá trình học tập, Huy cảm thấy không phù hợp. Các ngành học về văn hóa thu hút anh.
Chàng trai trẻ quyết định dừng lại ngành học hiện tại, xin sang một trường đại học khác có dạy về văn hóa Đông Nam Á, thứ mà anh muốn tìm hiểu. Chật vật một thời gian để chuyển trường, tuy nhiên hồ sơ của Huy không xin được vào ngành văn hóa như anh mong muốn. Để theo học cậu xin vào một ngành khối A, nhưng không đến học mà đi dự thính tại các lớp văn hóa.
Quá trình "học nhờ", Huy bị thu hút bởi các trang phục dân tộc của nhiều nước, anh mê mải tìm tòi, nghiên cứu về nó.
Năm 2018, chàng du học sinh quyết định về nước sau 2 năm học dự thính về văn hóa. Về Việt Nam, anh được một người bạn rủ làm cổ phục. Đam mê văn hóa, Huy lập tức đồng ý. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu sâu, thậm chí học may cổ phục.
"Cổ phục Việt là cả một kho tàng với nhiều loại. Mỗi triều đại trong lịch sử đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, tôi thích thú khi tìm hiểu về nó", anh nói.
Một thời gian làm cùng bạn, năm 2019 Huy quyết định về Hà Nội tách ra làm riêng. Thời điểm này cổ phục với mọi người vẫn còn mới mẻ, anh chàng 28 tuổi gặp không ít khó khăn, trong đó có sự nghi ngờ từ gia đình. Nhưng đam mê với cổ phục quá lớn, anh quyết làm cho bằng được. Mới bắt đầu Huy dùng vải công nghiệp phục chế lại một số bộ cổ phục thời Lê, Nguyễn.
Nhuộm vải may cổ phục từ nguyên liệu tự nhiên
Sau một lần đi workshop học cách nhuộm vải thủ công, Huy bén duyên với việc nhuộm vải và học nhuộm.
"Một năm đầu, tôi học nhuộm vải từ tràm, nhuộm từng miếng nhỏ một", Huy nói và cho biết lâu dài khi đã nhuộm thành thạo các loại vải từ nguyên liệu tràm, anh tự hỏi tại sao không nhuộm vải từ màu tự nhiên để may cổ phục.
Nghĩ là làm, Đức Huy nghiên cứu các loại màu nhuộm tự nhiên, anh đi khắp các tỉnh miền núi học cách nhuộm vải. Để đa dạng, anh tìm hiểu thêm trên các trang mạng về cách nhuộm vải tự nhiên từ Trung Quốc.
"Mình xem họ nhuộm từ loại cây, hoa, hay vị thuốc gì, sau đó tìm ở Việt Nam có bán hoặc trồng không, mua và bắt tay vào nhuộm", anh chàng kể lại.
Huy cho hay, các nguyên liệu của anh đa dạng từ vỏ cây, lá cây, hoa, quả, các vị thuốc bắc như: hoàng đằng, dành dành, tô mộc, hoàng hoa, lá ngải cứu, lá bàng...
Nguyên liệu được mua tại một số hiệu thuốc trên phố Lãn Ông. Tìm kiếm được nguyên liệu, ông chủ tiệm cổ phục cũng chật vật với nhiều lần nhuộm hư, phải vứt cả chục mét vải. Khi thì phối màu không đúng, lúc thì phơi trên thanh phơi sắt bị ám màu sắt rỉ, rồi nhiều lần nhuộm xong, giặt qua lượt nước đã bay hết màu…
"Mình phải làm đi làm lại nhiều lần, mỗi lần sai chỗ nào lại rút ra kinh nghiệm sửa chữa chỗ đấy", Huy chia sẻ.
Sau một năm nghiên cứu nhuộm màu tự nhiên, Huy đã tự tin nhuộm thành công 10 màu sắc ổn định, liên tục không bị hư từ các loại hoa quả, thảo mộc và 30, 40 màu khác ở các mức đậm nhạt theo nhu cầu của khách.
Đức Huy nói, để làm ra một bộ cổ phục từ vải nhuộm từ nhiêu mất khoảng một tháng với nhiều công đoạn như chọn loại vải, nhuộm, phơi khô, cắt may. Trong đó công đoạn nhuộm mất nhiều thời gian nhất từ 1 đến 2 tuần. Dựa trên màu sắc mong muốn của khách, tấm lụa được ngâm qua nước phèn sắt hoặc phèn đồng.
Các nguyên liệu tạo màu như vỏ cây, hoa, vị thuốc bắc được cho vào nôi đun sôi cùng nước trong 30 phút. Khi nước đun đạt đến màu sắc nhất định được đổ ra chậu thêm chút nước lạnh để không quá nóng, vải thô chưa nhuộm sẽ được cho vào chậu, đảo qua lại, ngâm trong 10 đến 15 phút tùy độ đậm nhạt.
"Có màu chỉ cần nhuộm 1, 2 lần, nhưng có màu phải nhuộm đến 4, 5 lần, hoặc phải nhuộm 2,3 màu với nhau. Tuy nhiên, không phải nấu chung các màu, mà nấu riêng từng nguyên liệu, sau đó nhuộm một màu để cho khô, rồi lại nấu một màu khác, nhuộm tiếp cho ra màu ưng ý", chàng trai 28 tuổi cho biết.
Do tự làm bằng tay và không có ai phụ giúp, nên trung bình một ngày anh Huy nhuộm một tấm vải có chiều dài từ 8 m đến 20 m, khổ 60. Sau khi vải lên màu sẽ được cho lên thành gỗ hoặc thanh nhựa phơi khô và cắt may.
Đức Huy thường lựa chọn lụa là loại vải để nhuộm và cắt may cổ phục. Huy cho biết trước đây từng thử qua nhiều loại vải, tuy nhiên lụa cho ra sản phẩm giống nhất với các bộ trang phục cổ.
Do quá trình nhuộm thủ công mất nhiều thời gian, công sức, loại vải dùng là lụa tơ tằm nên giá thành cổ phục nhuộm tự nhiêu đắt hơn so với vải nhuộm công nghiệp. Một bộ cổ phục công nghiệp có giá từ 2,5 triệu đến 3 triệu, trong khi nhuộm tự nhiêu có giá từ 3 đến 6 triệu.
Hiện tại Đức Huy dành nhiều thời gian nghiên cứu, may các mẫu như áo nhật bình, áo tấc, áo ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn, áo giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm…
Trong quá trình may cổ phục, anh chàng cho biết phải sửa nhiều lần, các mẫu áo đa số chỉ nhìn trên tranh ảnh, nên số đo hay nhiều chi tiết chỉ mang tính ước lệ. Sau khi nghiên cứu và đưa ra mẫu phục chế giống nhất với cổ phục cổ, Huy sẽ đưa thợ cắt may.
"Trước đây tôi có tự may, nhưng phải nhuộm vải, lo các công đoạn trong cửa hàng nên thuê một cô chuyên may cho mình", chàng trai 28 tuổi cho hay.
Trong thời gian tới, Huy mong muốn tìm ra nhiều màu nhuộm mới, giá thành rẻ để mọi người thích trang phục cổ Việt có thể thoải mái sắm cho mình một bộ mà không đắn đo vì giá cao.