Tôi là Nguyễn Bá Bắc, một leader (dẫn đoàn, hướng dẫn, bảo vệ thành viên leo núi) có thâm niên 3 năm. Tôi bén duyên với nghề từ năm 2015 khi lần đầu chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi Bạch Mộc Lương Tử. Tới giữa năm 2017, một người bạn rủ tôi làm tour leo núi nên theo nghề luôn từ đó.
Leader là người phải có kỹ năng đi rừng, hiểu biết cơ bản về động thực vật. Chúng tôi có thể dự báo thời tiết trong khoảng thời gian ngắn và biết sơ cứu. Kỹ năng quan trọng nhất là phán đoán tình huống để biết sự cố sẽ diễn ra theo hướng nào. Phán đoán càng chuẩn thì tỷ lệ nguy hiểm càng ít.
Lần này, tôi dẫn đoàn lên núi Bạch Mộc Lương Tử. Đa số thành viên trong đoàn đều là dân không chuyên, duy nhất một người từng có kinh nghiệm trekking cung Tây Bắc và từng leo ngọn núi này trước đó.
Trước chuyến đi, đoàn tìm hiểu nhau thông qua một nhóm. Tất cả cùng lên Sa Pa (Lào Cai) trước khi di chuyển khoảng 40 km tới chân núi. Đêm hôm trước, trời mưa lớn khiến cả đoàn lo lắng.
Tâm lý lo sợ khiến việc chuẩn bị đồ trở phải kỹ lưỡng hơn. Ai cũng muốn có những trang bị tốt nhất để đảm bảo an toàn trước chuyến leo núi dài ngày. Mấy bạn nữ trong nhóm lại lo nhiều hơn đến khâu tắm rửa, vệ sinh.
Vừa tới nơi, porter (người vác đồ, lo nấu nướng…) đã đứng chờ sẵn. Dù nhiều người còn liêu xiêu sau đoạn đường 40 km toàn những khúc cua, chúng tôi phải bỏ qua mệt mỏi để lên đường. Cả đoàn cùng chụp một bức ảnh lấy động lực để bắt đầu leo.
Đoạn đầu đường khá bằng phẳng nên tốc độ cả đoàn khá nhanh.
Càng về sau, thử thách tăng lên gấp bội. Chúng tôi phải đi qua những con dốc gần như dựng đứng. Cơn mưa tầm tã đêm trước khiến đường chưa khô nên việc leo không hề đơn giản.
Đoạn đường bùn đất này khiến đoàn phân hóa rõ về thể lực và tốc độ. Hai anh khỏe mạnh leo băng băng lên trước, bỏ lại đoàn mất hút phía sau.
Cả leader lẫn porter đều có nhiệm vụ chỉ dẫn đoàn về đường đi. Tôi từng gặp trường hợp một người lạc đường vì tự ý đi mà không nghe chỉ dẫn. Bằng phán đoán và sự giúp đỡ của một số người khác, tôi mới có thể tìm thấy vị khách này khi trời đã sẩm tối.
Xuyên qua cánh rừng thảo quả, men theo đường mòn, tới giữa trưa thì chúng tôi đến điểm nghỉ. Đó là bãi đất trống bên cạnh con suối. Điểm này vẫn chưa quá cao nên cả đoàn vẫn có thể dùng điện thoại trò chuyện với người thân.
Bữa trưa của những người leo núi thường được chuẩn bị đơn giản. Cơm lam là lựa chọn phổ biến nhất, đáp ứng đủ tiêu chí gọn nhẹ, đủ chất.
Nhiều người tranh thủ chợp mắt lấy lại sức cho chặng đường còn dài phía trước.
Đầu giờ chiều, cả đoàn rời điểm nghỉ để tiếp tục hành trình. Đoàn lên kế hoạch đi 9 km/ngày nên còn cả nửa quãng đường trước mắt. Ai cũng muốn đẩy nhanh tốc độ để đến điểm nghỉ trước khi màn đêm buông xuống.
Nhiều thành viên dường như đã quá sức chịu đựng. Những chấn thương bắt đầu xuất hiện. Hai vợ chồng trẻ trong đoàn có nhiều kinh nghiệm đi xa cũng không ngoại lệ. Họ ôm 2 đầu gối đã ê ẩm sau một ngày di chuyển quá sức.
Đoàn tiếp tục xuyên qua thung lũng, đi dọc theo con suối lớn bắt nguồn từ đỉnh Ky Quan San, chúng tôi tiến vào khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Những con dốc dựng đứng xuất hiện ngày một nhiều, đi kèm với đó là tiếng hỏi “Sắp đến nơi chưa?”.
Những lúc như thế, tôi lại phải pha trò và động viên cả đoàn bước tiếp. Đó là trách nhiệm của một người dẫn đầu, bên cạnh việc chỉ dẫn, bảo vệ.
Khoảng 17h30, những người cuối cùng lên được tới lán. Sau một ngày dầm mưa và bùn đất, chúng tôi phải hong đồ cho khô để mai còn tiếp tục chặng đường dài.
Porter đã tách đoàn để cùng nhóm khỏe hơn về lán nghỉ trước. Họ chuẩn bị bữa tối và đun nước tắm cho cả đoàn nghỉ ngơi. Một lượt tắm nước nóng được các porter tính giá 50.000 đồng, số tiền tương đối hợp lý. Bữa tối hôm nay có gà nướng, canh khoai cà rốt, bò xào, rau luộc và thịt nướng.
5h sáng hôm sau, khi mặt trời đã mọc trên đỉnh núi, tiếng gọi của porter đánh thức cả đoàn đang chìm trong giấc ngủ say. Bữa sáng thường là mì tôm, trứng và rau.
Trải qua những cung đường tương tự của ngày hôm trước, cuối cùng đoàn cũng lên đến đỉnh. Cảm xúc vỡ òa trào dâng trong mỗi người.
Với tôi, mỗi lần chạm đến một đỉnh núi nào đó, dù đã đi nhiều lần nhưng vẫn mang cảm xúc khó tả. Sau khi chụp ảnh chán chê, đoàn bắt đầu quay trở về.
Tôi không nghĩ leader là nghề có thể gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, trước khi tìm thấy một công việc ổn định hơn và sức chưa cạn kiệt, tôi vẫn sẽ tiếp tục dẫn đoàn leo núi trong ít nhất 2 năm nữa.
Nguyễn Bá Bắc