9X xứ Thanh biến đồi hoang thành vườn bản Thổ vạn người mê
Thoắt cái mà hơn 5 năm quay về, trồng rừng rồi lập hợp tác xã (HTX), đến nay mô hình khởi nghiệp của cô gái 9x ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã truyền động lực lớn tới thanh niên địa phương và tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều bà con vùng núi.
Nguyễn Lê Ngọc Linh (34 tuổi) là Giám đốc HTX Bản Thổ. Ai tiếp xúc với cô đều thấy rằng, Linh là cô gái rất khiêm nhường và giản dị, cô không ngại cuốc đất, chăm sóc rừng cây giữa trời nắng, không ngại khó, ngại khổ.
Linh dẫn chúng tôi đi thăm vườn rừng rộng khoảng 6ha với đủ các loại cây rừng như: lim, lát, dổi, trám... kết hợp với các loại cây ăn quả như cam, quýt, na, ổi… cùng một số loại cây dược liệu và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi khác.
Linh cho biết, khu đồi này cách đây 4 năm, sau khi chặt hết cây keo, rất cằn cỗi. Có được khu rừng đang xanh tốt và phát triển như hiện nay là cả một quá trình dài với bao nhiêu khó khăn và vất vả.
Khát vọng hồi sinh những cánh rừng
Nhớ lại thời điểm đó, Linh kể: Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền, rồi được tuyển vào làm việc cho một công ty thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với mức thu nhập nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, trong lòng vẫn luôn ấp ủ ý định trở về quê hương lập nghiệp.
“Sinh ra từ vùng cao, vốn sẵn tình yêu và niềm đam mê với núi rừng từ nhỏ nên khi thấy những cánh rừng xanh ngày càng ít đi, đất đai nhiều nhưng hoang hóa, tôi càng khát khao giữ lại rừng, giữ lại cây rừng bản địa cho người thân và cộng đồng địa phương mà họ vẫn có nguồn sinh kế. Vì vậy, ngày đi làm, tối về tôi dành vài tiếng để tìm hiểu trên mạng internet, báo đài về sản xuất nông nghiệp, về tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thậm chí, những ngày nghỉ trong tuần, tôi tìm tới các hội thảo về nông nghiệp; đi thăm những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường”, Linh chia sẻ.
Sau nhiều năm tích lũy, nắm chắc kiến thức về nông nghiệp để biến khát vọng của bản thân thành hiện thực, tháng 10/2019, Linh quyết định "bỏ phố về rừng" trước sự ngỡ ngàng của bạn bè và gia đình để khởi nghiệp ở độ tuổi 29. “Gia đình tôi cũng khuyên nên suy nghĩ lại bởi lúc đó công việc đang ổn định tại Hà Nội và có cơ hội thăng tiến, chưa kể tôi đã lập gia đình và có con nhỏ. Bỏ mặc những khuyên can, tôi vẫn chọn về quê khởi nghiệp”, Linh cho hay.
"Trên hành trình về quê làm vườn rừng, khi thấy mỗi ngày đất được bồi đắp thêm, cây phủ xanh hơn, đồi bớt trọc hơn, đó là niềm vui, là động lực để mình cố gắng. Mình biết, mình chỉ là một người - sức bé nhỏ, sức đến đâu làm tới đấy, vun bồi lâu ắt có ngày đậu quả. Thế nên mình tin hai chữ kiên trì"
Nguyễn Lê Ngọc Linh
Với 3 ha đất đồi mượn của bố mẹ, Linh bắt tay xây dựng mô hình "Vườn rừng bản Thổ" nằm giữa quả đồi 6ha. Cô lý giải đây là mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên đất đồi tự nhiên, bảo tồn tất cả những giống cây đã có như lim, dẻ, dổi, mắc khén… không cần hủy hoại hệ sinh thái bởi thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học mà năng suất cây trồng vẫn cao để gia đình mình và người dân ở đây có cuộc sống tốt hơn.
Với quyết tâm đi con đường riêng của mình, sau 5 năm, Ngọc Linh đã trồng, phủ xanh khoảng 6ha rừng tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ. Tính đến cuối năm 2024, vườn rừng bản Thổ đã phủ xanh được 6ha đồi trọc với hơn 100 loại cây bao gồm: một số cây rừng bản địa như (lim, trám, dẻ, sả sịa, mắc khén, dổi nếp). Xen vào đó, trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (bưởi, ổi, mít, hồng xiêm, na, xoài, dứa, chuối, đu đủ, đào); các cây dược liệu (chùm ngây, thiên môn đông, gừng, tỏi, nghệ, cúc hoa, đậu biếc, bồ công anh) hoàn toàn theo canh tác hữu cơ để không gây tổn hại cho con người và hệ sinh thái tự nhiên. “Mục tiêu của tôi là tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững", Ngọc Linh chia sẻ.
Khi thấy những tín hiệu tích cực từ dự án vườn rừng bản Thổ, chị Linh quyết định thành lập HTX Bản Thổ để liên kết với bà con nuôi ong tại các bìa rừng.
Mục tiêu của HTX Bản Thổ hay chính mục tiêu mà Nguyễn Lê Ngọc Linh hướng tới đó là hồi sinh những cánh rừng; xây dựng, phát triển hệ sinh thái thực phẩm với chuỗi giá trị nông sản và dược liệu theo hướng nông nghiệp sinh thái; tạo sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, sức khỏe cho người dân địa phương, cùng với đó là phục dựng, duy trì và phát huy các giá trị bản địa, thúc đẩy phụ nữ vươn lên khẳng định vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số ngay trên chính mảnh đất quê mình.
Chị Ngọc Linh chia sẻ mật ong nuôi giữa rừng đúng quy trình là sản phẩm chủ lực của HTX “Vườn rừng bản Thổ”. Và, từ khi xác định được mục tiêu phát triển này, chị Linh đã liên kết với nhiều hộ nuôi ong đảm bảo tiêu chí ở trong và ngoài huyện. Tiếp đó, cô đã tự tìm tòi làm ra sản phẩm mật ong lên men, rồi kết hợp với các loại dược liệu bản địa như gừng, tỏi tía, nghệ, chùm ngây, lá bạc hà sấy lạnh… vừa là kháng sinh tự nhiên, vừa chứa nhiều Enzyme, các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của con người, vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại mang về nguồn thu đủ để vận hành hệ thống.
Và giấc mơ sinh kế bền vững
Là người cầu toàn, chị Ngọc Linh khát khao, mong muốn lan tỏa những thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng từ nguồn nguyên liệu được canh tác minh bạch từ rừng.
Mới chỉ là một xưởng chế biến “mini” nhưng các quy trình chế biến khép kín tại “Vườn rừng bản Thổ” đã khá bài bản cùng những máy móc, thiết bị cần thiết với máy diệt nấm men, máy ép, máy ủ mật ong lên men, đảm bảo mật sạch nhưng vẫn giữ được những lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Mật ong sau khi được cấy men sẽ được ngâm ủ cùng với những dược liệu trong chum sành không tráng men, đã khử chì được chọn lựa kĩ càng. Khâu cuối cùng trong xưởng nhỏ sẽ là đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm.
Sau 4 năm phát triển mô hình nông nghiệp xanh, đến nay HTX Bản Thổ đã có 21 thành viên. Ngoài tạo công ăn việc làm cho nhiều người làm việc trực tiếp tại Vườn rừng Bản Thổ, HTX còn tạo sinh kế cho người dân tham gia liên kết trồng cây dược liệu và nuôi ong ven rừng cung cấp cho HTX, giúp hàng trăm hộ dân có nguồn thu nhập ổn định.
Từ kinh doanh các sản phẩm mật ong lên men đã đem về thu nhập cho gia đình chị Ngọc Linh khoảng 500 triệu đồng/năm. Cao điểm, có tháng doanh thu của “Vườn rừng bản Thổ” đạt tới 300 triệu đồng. Hàng chục lao động thời vụ của HTX Vườn rừng bản Thổ đều là những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương với mức lương khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
"Tôi muốn tôi, con tôi, cháu tôi, những em bé dân tộc Thổ đều có thể ngẩng cao đầu, cầm tay du khách mà chỉ họ thấy, kể họ nghe về dân tộc Thổ chúng tôi. Đó chính là động lực để tôi bỏ phố về rừng, làm một cô nông dân trồng rừng, để tôi kết nối anh em, bà con lại cùng xây dựng nên Vườn rừng Bản Thổ"
Nhìn những quả đồi trọc phía xa xa, chắc hẳn bất cứ ai lên với “Vườn rừng bản Thổ”, lắng nghe câu chuyện “khởi nghiệp” phủ xanh đồi trọc của cô gái người dân tộc Thổ đầy năng lượng tích cực Nguyễn Lê Ngọc Linh đều khâm phục ý chí, nghị lực của cô. “Từ một đồi rừng lau lách, không điện, không đường, 1 khung nhà sàn sắt dựng lên - trơ trọi, mọi thứ đều tự thân vận động, mọi thứ đều gom góp từng ngày từng ngày một để được như bây giờ” – đó là những dòng Ngọc Linh từng chia sẻ trên Fanpage của mình. Mọi cung bậc cảm xúc mỏi mệt, bất lực đều có nhưng chưa bao giờ Nguyễn Lê Ngọc Linh muốn buông bỏ và hối tiếc.
Khi vườn rừng bản Thổ đã đi vào hoạt động ổn định, chị Linh ấp ủ khai thác yếu tố văn hóa, du lịch, hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào mô hình du lịch văn hóa, góp phần vào khôi phục, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa cổ truyền có nguy cơ mai một, đồng thời mang lại đời sống tốt hơn cho bà con địa phương.
Đến nay, dự án vườn rừng bản Thổ của Linh được nhiều người biết đến và ủng hộ, cô cũng được tiếp đón nhiều đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp.
Chúng tôi tin Nguyễn Lê Ngọc Linh đã và đang lựa chọn hướng đi đúng khi hướng về quê hương để đánh thức những cánh rừng thêm xanh và tạo ra sản phẩm bền vững.