Ða dạng các sản phẩm nho chế biến sâu
Thời gian vừa qua, nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, tạo ra giá trị mới từ sản phẩm đặc thù, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Thời gian vừa qua, nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, tạo ra giá trị mới từ sản phẩm đặc thù, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Cụ thể với sản phẩm nho, hiện nay tỉnh có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước với hơn 1.200 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 tấn nho tươi. Ðể tăng hiệu quả kinh tế từ cây nho, giảm áp lực tiêu thụ trái tươi cho nông dân, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, nghiên cứu cho ra đời các dòng sản phẩm chế biến từ quả nho tươi. Ðiển hình như mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản của HTX nho Evergreen Ninh Thuận. Bên cạnh cung cấp nho tươi, HTX đang đầu tư máy móc, xưởng chế biến, tập trung nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm nho đỏ, nho xanh sấy khô, nước nho lên men, giấm nho, rượu nho chưng cất với nhiều hương vị khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, tỉnh còn có gần 60 cơ sở chuyên sản xuất, đăng ký kinh doanh các sản phẩm nho rượu, vang nho, mỗi năm các cơ sở cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn lít rượu, vang nho. Mỗi cơ sở sản xuất có bí quyết ủ, lên men, đóng chai riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm vang nho Ninh Thuận.
Những đổi mới trong hoạt động sản xuất và chế biến đã mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng nho trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch của phần lớn các hộ dân vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô sản xuất các sản phẩm còn nhỏ lẻ với sản lượng, chất lượng chưa đồng đều, dẫn đến khó xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu theo tiêu chuẩn VietGAP..., trong khi, đây chính là mục tiêu hướng đến của tất cả các hộ trồng nho. Vì vậy, trong thời gian tới, người dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục huy động nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp… để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như: chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp để xây dựng thương hiệu, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc thù, liên kết các thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/a-dang-cac-san-pham-nho-che-bien-sau-637515/