Ða dạng cách làm giàu
Phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, phát triển tích cực. Các mô hình kinh tế hiệu quả dần được nhân rộng trong hội viên, qua đó góp phần cải thiện đời sống kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Hội Nông dân xã Thanh Tùng có 589 hội viên. Ðể phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phát triển và lan tỏa đến các hội viên, hội đã tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cùng với đó là các giải pháp cụ thể, thiết thực như: hỗ trợ giống sản xuất, tập huấn để bà con tiếp cận được các kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp hay tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất thông qua các dự án… Từ các nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ và phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Chung Thanh Bình, ấp Phú Hiệp A, phát triển mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm. Năm nay là năm đầu tiên ông Bình nuôi sò huyết nhưng năng suất và lợi nhuận khá cao. Ông Bình cho biết: “Năm 2022, tôi đầu tư 60 triệu đồng mua sò huyết giống thả nuôi. Ðến nay đã thu hoạch được 180 triệu đồng và sẽ tiếp tục thu hoạch lượng sò còn lại trong dịp cuối năm. Theo tôi tính toán, lợi nhuận vụ sò năm nay có thể lên đến 1 vốn 4 lời. Không chỉ riêng gia đình tôi, năm nay những hội viên nông dân khác nuôi sò huyết cũng đạt hiệu quả cao”.
Từ tiềm năng và hiệu quả mang lại, năm 2022, Hội Nông dân xã Thanh Tùng đã thành lập tổ hợp tác nuôi sò huyết với 14 thành viên. Dự án Quỹ hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ vốn cho các thành viên phát triển mô hình nuôi sò huyết. Theo bà con, lợi thế nguồn nước và đất trên địa bàn rất thích hợp cho bà con thả nuôi sò huyết.
Ông Trần Thiện Khiêm, ấp Phú Quý, cũng là hộ có mô hình sản xuất điển hình trên địa bàn xã. Vợ chồng ông Khiêm đều lớn tuổi, không lao động nặng nhọc được nên đầu tư chăn nuôi chồn hương. Ban đầu ông Khiêm chỉ nuôi 1 cặp chồn giống. Sau thời gian nhân giống, số lượng chồn tăng lên, mỗi năm trung bình ông Khiêm bán khoảng 30 con chồn hương.
Ông Khiêm cho biết: “Giá chồn hương dao động từ 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với chồn con, 8 triệu đồng/con đối với chồn thịt. Với 1 con chồn giống, 1 năm đẻ 3 lần, mỗi lần 2-3 con. Nếu không rủi ro, 1 con chồn giống có thể mang về thu nhập từ 30 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi chồn hương đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Hiện tại, một số bà con trong xóm đã nhân rộng mô hình từ chồn giống của gia đình tôi. Với hộ nông dân ít vốn, có thể mua 1 cặp nuôi thử rồi nhân giống thêm”.
Ðến nay, Hội Nông dân xã Thanh Tùng có 7 tổ hợp tác, 2 tổ hội nghề nghiệp. Các tổ hợp tác cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong phát triển các mô hình kinh tế, giúp nông dân cải thiện đời sống.
Ngày nay, câu chuyện, cách làm kinh tế, sản xuất của người dân đa dạng và linh loạt hơn. Ðặc biệt, những nông dân có đất sản xuất ít đã kết hợp các con giống thả nuôi phù hợp, cho hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tùng, phấn khởi: “Hiện nay, đời sống kinh tế của bà con trên địa bàn xã gắn liền với con tôm và cua. Bên cạnh đó, nông dân còn kết hợp sản xuất thêm các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi chồn hương, nuôi rắn ri tượng, nuôi heo thương phẩm, nuôi sò huyết, nuôi lươn… Tuy là các mô hình kết hợp chăn nuôi nhưng đã mang lại lợi nhuận đáng kể, nhờ đó thu nhập bà con nông dân cũng ổn định hơn. Sắp tới, Hội Nông dân xã Thanh Tùng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ bà con nhân rộng 2 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao là nuôi chồn và sò huyết thương phẩm”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-a-dang-cach-lam-giau-a1192.html