Ðạ Ðờn không chỉ có lúa và cà phê

Bao lâu nay, xã Ðạ Ðờn (Lâm Hà) là địa phương gắn với tập quán sản xuất cây cà phê và lúa nước, nhưng hiện đang xuất hiện thêm nhiều cây trồng mới thay thế bởi những vườn hoa trồng trong nhà kính, vườn trái cây và cả dâu tây, dâu tằm,...

Vườn hoa đồng tiền trồng trên diện tích đất cà phê được chuyển đổi, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Phan Quốc Vũ. Ảnh: V.Quỳnh

Là một trong những người tiên phong trong việc trồng hoa nhà kính của xã Đạ Đờn, ông Phan Quốc Vũ (thôn Đam Pao) vừa dẫn chúng tôi thăm vườn hoa đồng tiền đang khoe sắc rực rỡ, vừa chia sẻ về quá trình “mang hoa về đất cà phê” của mình.

Ông Vũ kể rằng, 20 năm kể từ khi rời quê hương Hà Tây vào vùng kinh tế mới Lâm Hà lập nghiệp cũng là chừng đó thời gian gia đình ông gắn bó với cây cà phê. Thế nhưng đến năm thứ 18 - tức cách đây 2 năm - tại thời điểm sản lượng cà phê ngày càng thấp và giá cả bấp bênh, ông Vũ quyết định phải tìm hướng đi mới để đảm bảo kinh tế cho gia đình. Sau nhiều lần lên Đà Lạt học hỏi, tháng 8/2017, gia đình ông mạnh dạn đầu tư hơn 250 triệu đồng để dựng 1.000 m2 nhà kính trên nền đất trồng cà phê và trồng hoa đồng tiền. Đến nay, trên diện tích này đã liên tục cho thu hoạch với số lượng ổn định 3.000 - 4.000 bông/1 tuần. Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, hoa vườn nhà ông đạt chất lượng tương đối tốt, tìm được đầu ra và giá cả ổn định. Diện tích nhà kính trồng hoa cũng được mở rộng thêm 1.400 m2.

“Cùng một đơn vị diện tích nhưng thu nhập mang lại từ hoa đồng tiền cao và ổn định hơn rất nhiều so với cây cà phê”- ông Vũ cho biết - “Tuy nhiên, công chăm sóc phải bỏ ra nhiều hơn và kỹ thuật trồng cũng khó hơn nhiều. Do thiếu vốn và còn ít kinh nghiệm nên gia đình tôi vẫn chưa thể chuyển đổi hết diện tích đất cà phê già cỗi của mình”.

Đó cũng là khẳng định của ông Trần Văn Tích (thôn Liên Kết) - người đầu tiên trồng dâu tây tại xã Đạ Đờn - sau 2 năm trồng thử nghiệm. Bao nhiêu năm nay, thu nhập của gia đình ông phụ thuộc cả vào 5 sào cà phê. Cách đây 2 năm, ông bắt đầu dựng nhà kính, và giữa nhiều lựa chọn phổ biến như ớt chuông, cà chua, ông chọn dâu tây để trồng thử nghiệm trên một diện tích nhỏ 500 m2. Sau vài lần thất bại do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật, diện tích trồng dâu đã mang lại cho ông thu nhập đáng kể với giá bán ổn định trung bình 180.000 đồng/kg và cho thu trái đều đặn hàng ngày.

Mặc dù không còn nhàn nhã như khi còn trồng mỗi cây cà phê, 2 vợ chồng ông ngày nào cũng phải có mặt ở vườn để chăm sóc và thu hoạch dâu, nhưng ông Tích rất phấn khởi vì gia đình có thu nhập ổn định hơn trước. Hiện tại, ông đang tiến hành cải tạo đất và học hỏi thêm kinh nghiệm để mở rộng diện tích trồng dâu trong thời gian tới, phá vỡ thế độc canh của cây cà phê.

Theo thống kê của UBND xã, xã Đạ Đờn hiện có hơn 4.200 ha cà phê, trong đó trên 1.500 ha cà phê đã thực sự già cỗi, kém chất lượng. Tổng diện tích sản xuất lúa nước vụ Đông Xuân là 154 ha, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018, do một số diện tích lúa ở các thôn Đạ Ty, R’Lơm thiếu nước tưới. Đối với nông dân xã Đạ Đờn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả cà phê bấp bênh như những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn, tích cực chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Ông Hoàng Sỹ Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn cho biết: “So với nhiều địa phương khác trong huyện, tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã còn chậm, một phần do bà con nông dân thiếu vốn, phần khác do người nông dân trên địa bàn chưa chủ động được về khoa học kỹ thuật và tâm lý còn e ngại. Tuy nhiên, xã vẫn đang khuyến khích người dân chuyển đổi từng bước một theo hướng bền vững, chậm mà chắc, bắt đầu trên một phần diện tích rồi dần dần mở rộng”.

Đến nay, xã Đạ Đờn đã có 3 - 4 hộ trồng hoa nhà kính, một số hộ phát triển trồng lan rừng, trồng rau công nghệ cao.

Cây trồng được bà con nông dân xã Ðạ Ðờn lựa chọn nhiều nhất để trồng thay thế các vườn cà phê đã già cỗi là cây dâu.

Đến tháng 5/2019, toàn xã đã có 40 hộ trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích 130 ha, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm được thành lập. Những vườn bưởi, vườn cam cũng đã bắt đầu xanh tốt. Dù chưa thật sự phát triển mạnh, nhưng những mô hình này đã bước đầu tạo sức lan tỏa cho các hộ nông dân khác tại địa phương học tập và mạnh dạn chuyển đổi để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Hoàng Sỹ Lĩnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, để những diện tích cây trồng chuyển đổi phát triển ổn định và đem lại nguồn lợi về kinh tế lâu dài cho bà con nông dân, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phát triển nông nghiệp cho người dân. Đồng thời vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện để các hộ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201907/a-on-khong-chi-co-lua-va-ca-phe-2953212/