Ả rập Xê-út có thể trở thành vương quốc hạt nhân
Ronen Dangoor, một cựu lãnh đạo nhánh nghiên cứu và phân tích trong văn phòng của thủ tướng Israel cho rằng thái tử Ả rập Xê-út Mohammed Bin Salman rất có thể sẽ khởi động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Trung Đông, theo National Interest.
Vụ sát hại dã man nhà báo Jamal Khashoggi cho thấy sự bất cẩn và nguy hiểm trong việc quyết định hành động của Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed Bin Salman. Vụ việc được cho là đã được ông quyết định sau khi The New York Times xuất bản một câu chuyện về việc các cận vệ thân tín của thái tử tìm cách thuê các công ty tư nhân nước ngoài để ám sát các quan chức cấp cao Iran — hành động có thể làm bùng phát một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực. Đây cũng là một trong một loạt các sự kiện đáng lo ngại mà ông Bin Salman đã ra lệnh thực thi trong những tháng qua.
Vị thái tử này thường có những hành vi bốc đồng, đôi khi kiêu ngạo và tàn bạo. Những hành động của ông hầu hết đều không bị giám sát bởi những đối trọng bên trong hoàng gia Ả rập. Thực tế, ông Bin Salman đã chế ngự toàn bộ những đối thủ tiềm tàng và kiểm soát hoàn toàn những cơ quan an ninh và tình báo của Ả rập Xê-út. Vụ bê bối Khashoggi đã chứng minh quyền lực của ông nguy hiểm đến thế nào. Nhưng ông cũng muốn trở thành một người được phương Tây yêu mến sau khi khởi động quá trình tái cơ cấu kinh tế và đưa ra điều mà ông gọi là tầm nhìn hiện đại 2030.
Đi cùng với những hành động trên là lịch sử lâu dài mong muốn có vũ khí hạt nhân của Riyadh. Trong nhiều năm, các quân chức Ả rập Xê-út đã cảnh báo rằng vương quốc của mình sẽ không kìm nén ham muốn có được vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy có mối đe dọa về an ninh hay Iran tiếp tục chương trình hạt nhân của mình. Có tin đồn rằng Pakistan sẽ phải cung cấp cho Ả rập Xê-út vũ khí hạt nhân đã chế tạo khi thời điểm cần thiết đến. Và mọi chuyện còn phức tạp hơn khi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký vào năm 2015, hợp pháp hóa quyền duy trì và phát triển khả năng làm giàu uranium của Iran.
Vào tháng 11.2018, thái tử Bin Salman đã tham gia một buổi lễ khánh thành việc xây dựng lò phản ứng nghiên cứu đầu tiên của Riyadh. Đây vẫn chỉ là một hành động mang tính biểu tưởng vì Ả rập Xê-út thiếu phương thức, kỹ thuật viên, cơ sở hạ tầng và chuyên môn về lý thuyết — nhưng vương quốc này có đủ tham vọng và tiền của để thúc đẩy chương trình. Ngay sau đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê-út nói rằng vương quốc này đã khởi động chương trình nghiên cứu uranium.
Trong thập kỷ vừa qua, việc mua 16 lò phản ứng hạt nhân (sau đó giảm xuống 2) cùng khả năng làm giàu uranium từ Mỹ luôn nằm đầu tiên trong chương trình của Ả rập Xê-út. Lý do chính thức là tương lai của đất nước này cần cung cấp năng lượng với khả năng tự cung cấp đủ nguồn vật liệu hạt nhân. Nhưng việc có khả năng làm giàu uranium phục vụ việc cân bằng với Iran và có thể để xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Trong những cuộc đàm phán trước đây với các quan chức Ả rập Xê-út, chính quyền của tổng thống Obama đã nhấn mạnh Ả rập Xê-út phải tuân theo "tiêu chuẩn vàng", phản ánh điều kiện áp dụng với Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) khi nước này đồng ý mua lò phản ứng hạt nhân của Mỹ vào năm 2009. Tiêu chuẩn này yêu cầu cam kết không làm giàu uranium hay sản xuất plutonium - một điều kiện nghiêm ngặt cho bất cứ một thỏa thuận bán lò phản ứng hạt nhân nào. Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, chính quyền tổng thống Trump vẫn duy trì chính sách này. Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS vào tháng 3.2018, ông Bin Salman vẫn bảo vệ quan điểm "không nghi ngờ, nếu Iran tiếp tục phát triển bom hạt nhân, chúng tôi sẽ phải theo đuổi một cách sớm nhất".
Qua vụ ám sát nhà báo Khashoggi, các thành viên Thượng viện Mỹ đã thúc giục chính quyền của ông Trump kiềm chế bất cứ ý định bán lò phản ứng hạt nhân cho chế độ Ả rập Xê-út. Bước đi này là cần thiết nhưng chưa đủ. Việc Mỹ từ chối yêu cầu của Riyadh có thể khiến cho thái tử Bin Salman tìm một lựa chọn thay thế khác, với những nhà sản xuất sẽ rất hài lòng để trợ giúp với một mức giá phù hợp.
Những gì thái tử Ả rập Xê-út đang hành động tương tự như ba nhà lãnh đạo Trung Đông: cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và tổng thống Syria Bashar al-Assad. Họ có một mẫu số chung trong tham vọng của mình đã khiến họ bí mật thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân. Và tất cả họ đều dựa vào hệ thống an inh của mình để khởi động các kế hoạch. Libya và Syria không có cơ sở hạ tầng hạt nhân nên họ mua dự án hạt nhân từ mạng lưới A.Q. Khan của Pakistan hay từ Triều Tiên.
Vấn đề hạt nhân của Ả rập Xê-út đã tạo ra một thách thức đối với chính quyền của tổng thống Trump. Nếu thái tử Bin Salman trụ vững sau vụ bê bối Khashoggi thì ông sẽ có sự thúc đẩy để đưa ra những quyết định rủi ro và táo bạo hơn bao gồm cả việc đi theo con đường hạt nhân. Giống như Iraq, Libya và Syria tất cả mọi thành tố đều đã sẵn sàng: người thực tế có quyền lực rất lớn, hoàn toàn kiểm soát hệ thống an ninh, có nguồn tài chính vô hạn cho mục đích của mình, một đất nước cảm thấy bị cô lập, bị đe dọa sâu sắc và ham muốn có vũ khí hạt nhân từ lâu. Cùng với việc Iran có vẻ như đang tuân theo JCPOA, hành động của Ả rập Xê-út có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Trung Đông.
Để tránh điều này chính quyền của tổng thống Trump cần cảnh báo và ngăn cấm người kế thừa của hoàng tộc Ả rập Xê-út. Họ phải theo dõi sát sao những hoạt động liên quan tới hạt nhân của vương quốc này.