Ðạ Tẻh: Chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Trước tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát mạnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ… các cấp, các ngành chức năng huyện Đạ Tẻh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng, chống dịch có hiệu quả.

Thị trấn Đạ Tẻh ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết

Thị trấn Đạ Tẻh ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết

Theo UBND huyện Đạ Tẻh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận gần 150 ca mắc sốt xuất huyết, số ca bệnh tập trung chủ yếu ở địa bàn thị trấn Đạ Tẻh, Đạ Kho, Quảng Trị, Mỹ Đức, An Nhơn, Triệu Hải… Dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, đây cũng là yếu tố nguy cơ bùng phát thành dịch. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, UBND huyện Đạ Tẻh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn; tiếp tục tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo 100% các ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại thị trấn Đạ Tẻh - đây là địa phương tập trung nhiều số ca mắc sốt xuất huyết nhất trong toàn huyện, công tác phòng, chống và dập dịch đã được địa phương triển khai thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể. Ông Trần Thế Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh cho biết, nhằm nâng cao ý thức của người dân đối với việc phòng, chống sốt xuất huyết, UBND thị trấn Đạ Tẻh đã tổ chức lễ ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết tại 22 tổ dân phố trên địa bàn.

Theo đó, các cán bộ, các ban, ngành, đoàn thể thị trấn, cán bộ trạm y tế, cộng tác viên y tế và tình nguyện viên các tổ dân phố đã thực hiện phát tờ rơi tuyên truyền, kiểm tra lăng quăng, hướng dẫn người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường trong, ngoài nhà, tạo không khí thoáng mát, phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, tổ chức phun hóa chất tại các trục đường chính và các trục đường thuộc tổ dân phố 5A, 2A nâng nắp cống thoát nước để phun hóa chất diệt muỗi dưới cống.

Mặt khác, công tác dập các ổ dịch cũng được các đơn vị chức năng triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chủ động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của Nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả, góp phần chung tay bảo vệ sức khỏe cho gia đình và toàn xã hội.

Theo ông Đinh Viết Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, hiện học sinh trên địa bàn huyện đã bước vào mùa tựu trường, do đó đây cũng là thời điểm các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình trên, UBND huyện Đạ Tẻh cũng đã ban hành văn bản gửi các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường như bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, bệnh sởi…

Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, thị trấn triển khai các nội dung về phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, bệnh sởi theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế Lâm Đồng. Chủ động theo thõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng, chống lây nhiễm và xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình đề xuất UBND huyện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông, Trung tâm GDNN-GDTX triển khai thực hiện và chỉ đạo các trường học thuộc quyền quản lý chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho học sinh trước khi bước vào năm học mới; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng. Phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; thực hiện tốt công tác truyền thông học đường về phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh, tăng cường giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.

Riêng đối với công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng cần tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tới giáo viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, người dân về cách phòng bệnh, nhận biết, phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng, cách ly sớm các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng. Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: vệ sinh môi trường; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; thường xuyên thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh mặt bàn, ghế và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường khác...

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202409/a-teh-chu-dong-trien-khai-nhieu-giai-phap-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-4f62121/