Phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số

Bình Phước có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, với hơn 200 ngàn người, chiếm hơn 19% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2019-2024, Bình Phước đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS. Đồng thời tỉnh đã thực hiện tốt quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III và có những đột phá trong công tác dân tộc. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế, an ninh trật tự ổn định và bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO

Giai đoạn 2019-2024, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Bù Gia Mập đã giảm nghèo cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS. Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS mỗi năm đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.660 nhu cầu với tổng kinh phí hơn 117 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ xây dựng nhà ở, cung cấp nước sinh hoạt, cây - con giống, phương tiện sinh kế và phát triển hạ tầng giao thông rộng khắp các thôn, ấp. Ngoài ra, Bù Gia Mập đã thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ ngành nghề, vốn vay ưu đãi và phát triển giáo dục... Các chính sách cho già làng, người có uy tín được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả tốt.

Bên cạnh chăm lo đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được địa phương chú trọng quan tâm. Trong ảnh: Lễ bàu vàng (phá bàu) của đồng bào dân tộc S’tiêng xã Quang Minh, TX. Chơn Thành

Bên cạnh chăm lo đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được địa phương chú trọng quan tâm. Trong ảnh: Lễ bàu vàng (phá bàu) của đồng bào dân tộc S’tiêng xã Quang Minh, TX. Chơn Thành

Thời gian qua, không chỉ huyện Bù Gia Mập mà các địa phương khác trong tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả công tác dân tộc và các chương trình, dự án dành cho đồng bào DTTS. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào. Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể, nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, tạo việc làm và nâng cao chất lượng giáo dục… đã đạt kết quả tích cực.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và phát triển ngành nghề truyền thống phát huy đã giúp đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt được đầu tư trên diện rộng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa. Những kết quả này không chỉ giúp đồng bào DTTS trong tỉnh thoát nghèo bền vững mà còn củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở khu vực miền núi và biên giới.

Các chính sách ưu đãi dành cho người có uy tín, già làng và các hoạt động tuyên truyền, vận động trong cộng đồng đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.

KHỞI SẮC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Xuất phát điểm thấp nhưng với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước đã hiến hàng trăm héc-ta đất, hoa màu và vật kiến trúc để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Sự đóng góp này không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Lãnh đạo phòng Dân tộc huyện Bù Đăng trao nông cụ sản xuất cho đồng bào

Lãnh đạo phòng Dân tộc huyện Bù Đăng trao nông cụ sản xuất cho đồng bào

Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng NTM; 73/86 xã (chiếm 84,88%) đạt chuẩn NTM, trong đó có 46 xã thuộc vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, 21/86 xã (chiếm hơn 28%) đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 8 xã vùng DTTS và miền núi. Kết quả này không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực chung của toàn xã hội trong công cuộc xây dựng NTM, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của tỉnh.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM

Trong công tác tuyên truyền, tỉnh đã phát huy vai trò của 570 già làng và 2.191 người có uy tín trong cộng đồng. Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh có gần 500 già làng và người có uy tín trong cộng đồng được khen thưởng, đặc biệt, có 7 cá nhân được vinh danh là điển hình tiên tiến trong cộng đồng DTTS toàn quốc năm 2023. Những tấm gương tiêu biểu này luôn là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân. Đồng thời là hình mẫu cho nhân dân phấn đấu và quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhờ những nỗ lực này, nhiều hủ tục dần được loại bỏ, thay vào đó là lối sống văn minh, tiến bộ. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân, xây dựng xã hội đoàn kết, thịnh vượng, các dân tộc đều có cơ hội phát triển, văn minh, tiến bộ.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc huyện Hớn Quản khởi công giếng nước tập trung tại xã Thanh An

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc huyện Hớn Quản khởi công giếng nước tập trung tại xã Thanh An

Ngoài ra, công tác truyền thông và trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS được chú trọng, giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp luật và nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã phối hợp với các viện, trường thực hiện 4 đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh liên quan đến nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển bền vững trong vùng DTTS thuộc các huyện biên giới. Công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS luôn được chú trọng. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đáp ứng đầy đủ theo Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng DTTS giai đoạn 2021-2025”; tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi..., với nội dung thông tin đa dạng, đã lan tỏa những kết quả tích cực trong công tác dân tộc của tỉnh, đặc biệt là gương tiêu biểu, mô hình về giảm nghèo, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Công tác giáo dục và đào tạo cho con em đồng bào DTTS luôn nhận được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên DTTS với 9.223 em, tổng kinh phí 74,4 tỷ đồng. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho con em DTTS ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục duy trì và đạt hiệu quả cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 220/390 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và tiêu chuẩn quốc gia, đạt hơn 56%, dự kiến đến cuối năm 2024 đạt 58%. Số học sinh DTTS ở các cấp học tăng hằng năm. Toàn tỉnh hiện có 7 trường dân tộc nội trú, đáp ứng nhu cầu đào tạo con em DTTS, đồng thời góp phần phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức người DTTS.

Cùng với phát triển giáo dục phổ thông, Bình Phước chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS. Toàn tỉnh hiện có 1.661 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 7% tổng biên chế của tỉnh. Song song đó, các chính sách y tế và dân số tại vùng đồng bào DTTS được triển khai rộng rãi, đặc biệt công tác khám chữa bệnh đã có nhiều tiến bộ, hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, thể thao được chú trọng phát triển, với sự đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động cộng đồng. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa, hội trường. 853/861 thôn, ấp, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao, hội trường, đạt hơn 99%.

Lễ công bố nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’tiêng Bình Phước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ công bố nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’tiêng Bình Phước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội mừng lúa mới của của đồng bào dân tộc S’tiêng tỉnh Bình Phước

Lễ hội mừng lúa mới của của đồng bào dân tộc S’tiêng tỉnh Bình Phước

Bình Phước đã phê duyệt danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với 25 di sản, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Đồng thời chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã trở thành những điểm đến thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm. Các mô hình du lịch cộng đồng như tham quan lễ hội, trải nghiệm văn hóa ẩm thực và tái hiện các nghề thủ công truyền thống, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2024-2029

Tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi: Việc triển khai các chương trình này sẽ đảm bảo chính sách hỗ trợ được thực hiện đúng đối tượng, đúng địa bàn và phát huy hiệu quả thực tế. Tỉnh sẽ chú trọng phát triển hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, giúp đồng bào nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tăng cường công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn cán bộ DTTS: Bình Phước sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối với học sinh DTTS. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung đào tạo nguồn cán bộ DTTS, giúp họ có đủ năng lực để tham gia quản lý, lãnh đạo và góp phần vào công cuộc phát triển của tỉnh.

Nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS: Tỉnh sẽ tập trung nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, qua đó giúp đồng bào DTTS học hỏi và áp dụng các phương thức sản xuất hiệu quả. Việc lan tỏa những mô hình này sẽ góp phần thúc đẩy ý thức tự lực, tự cường trong đồng bào DTTS, khuyến khích họ chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa DTTS: Bình Phước sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động gìn giữ và phát huy di sản văn hóa DTTS, khuyến khích các phong trào văn hóa cộng đồng và tổ chức các lễ hội truyền thống. Tỉnh cũng sẽ tập trung vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của đồng bào về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh phát triển kinh tế.

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ già làng, người có uy tín và học sinh, sinh viên DTTS: Các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Những chính sách này sẽ giúp nâng cao vai trò của các nhân tố quan trọng trong cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Thông qua những giải pháp này, Bình Phước hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện và công bằng giữa các dân tộc trong tỉnh. Các chính sách sẽ được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào DTTS góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.

Điểu Lành - Thổ Thanh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/165276/phat-trien-toan-dien-vung-dan-toc-thieu-so