'Ác mộng' của Nvidia: DeepSeek sử dụng chip Huawei để đào tạo AI

Tập đoàn công nghệ Nvidia - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng với các nhà lập pháp Mỹ về khả năng cạnh tranh ngày càng lớn của Huawei.

Theo Reuters, thông tin được tiết lộ bởi một nguồn tin cấp cao từ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ sau cuộc gặp kín giữa Tổng giám đốc điều hành Nvidia, ông Jensen Huang, và các thành viên ủy ban này vào cuối tuần qua.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Huawei đang từng bước mở rộng năng lực sản xuất chip AI để lấp vào khoảng trống mà Nvidia để lại tại thị trường Trung Quốc.

Nvidia bày tỏ lo ngại rằng Huawei có thể giành lợi thế trên thị trường toàn cầu nếu các mô hình AI như DeepSeek R1 được tối ưu hóa để vận hành hiệu quả trên các dòng chip do Huawei tự phát triển - Ảnh: Reuters

Nvidia bày tỏ lo ngại rằng Huawei có thể giành lợi thế trên thị trường toàn cầu nếu các mô hình AI như DeepSeek R1 được tối ưu hóa để vận hành hiệu quả trên các dòng chip do Huawei tự phát triển - Ảnh: Reuters

Nỗi lo về Huawei và chip AI nội địa hóa

Cuộc họp được tổ chức với mục đích thảo luận về chiến lược công nghệ quốc gia và vị thế của Mỹ trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.

Một trong những trọng tâm của cuộc thảo luận là khả năng ngày càng tăng của Huawei trong việc phát triển chip AI nội địa, đặc biệt là trong bối cảnh các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đang vô tình tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Trung Quốc - trong đó có Huawei - vươn lên mạnh mẽ.

“Nếu mô hình AI như DeepSeek R1 được đào tạo hoàn toàn trên các chip của Huawei, hoặc nếu một mô hình mã nguồn mở khác được tối ưu hóa để chạy trên nền tảng chip nội địa Trung Quốc, điều đó có thể thúc đẩy nhu cầu toàn cầu đối với chip của Huawei - thay vì Nvidia”, Reuters dẫn nguồn tin từ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết.

DeepSeek R1 là một trong số các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) giá rẻ đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Với tiềm năng tiếp cận hàng trăm triệu người dùng và chi phí vận hành thấp, các mô hình như vậy đang trở thành mảnh đất thử nghiệm lý tưởng cho các nhà sản xuất phần cứng nội địa như Huawei.

Nvidia và lập trường với quốc hội Mỹ

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, người phát ngôn của Nvidia, ông John Rizzo, cho biết CEO Jensen Huang đã nhấn mạnh “tầm quan trọng chiến lược của AI với tư cách là cơ sở hạ tầng quốc gia” và kêu gọi quốc hội “tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước để giữ vững lợi thế công nghệ của Mỹ”.

“Tổng giám đốc Huang khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Nvidia đối với các nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy công nghệ Mỹ và bảo vệ lợi ích chiến lược toàn cầu của quốc gia”, ông Rizzo cho biết.

Lời kêu gọi này diễn ra trong bối cảnh Nvidia đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ chính sách kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ đối với Trung Quốc, vốn được khởi xướng từ thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden và tiếp tục được siết chặt dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Từ năm 2020, các con chip AI tiên tiến của Nvidia như dòng A100 và H100 đã bị hạn chế bán sang Trung Quốc. Đáp lại, Nvidia đã phát triển các phiên bản "được điều chỉnh" cho thị trường này như dòng chip A800 hay H800, nhằm đảm bảo tuân thủ các giới hạn kỹ thuật do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra.

Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, chính quyền Mỹ tiếp tục yêu cầu Nvidia ngừng cung cấp dòng chip AI mới nhất - H20 - cho Trung Quốc, ngay cả khi dòng sản phẩm này được thiết kế đặc biệt để phù hợp với quy định xuất khẩu.

Việc H20 bị chặn đứng khiến khách hàng Trung Quốc, vốn đang có nhu cầu cao về phần cứng AI, chuyển hướng sang các giải pháp trong nước. Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là Huawei.

Theo Reuters, Huawei đang chuẩn bị tung ra lô chip AI công suất lớn, được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Nvidia. Động thái này cho thấy rõ tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy “nội địa hóa công nghệ” và giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực được coi là trụ cột cho tăng trưởng và an ninh quốc gia như AI.

Sự vươn lên của Huawei

Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể hạn chế (Entity List) vào năm 2019, Huawei đã đối mặt với nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, công ty đã không ngừng đầu tư vào phát triển chip nội địa nhằm thay thế một phần chức năng của chip Nvidia trong huấn luyện mô hình AI lớn.

Việc Huawei tiếp cận được thị trường nội địa trị giá hàng tỉ USD, cộng với nỗ lực mở rộng ra các nước đang phát triển, đang khiến giới công nghệ phương Tây lo ngại. Nếu các công ty phần mềm Trung Quốc tối ưu hóa sản phẩm của họ cho phần cứng của Huawei, hệ sinh thái AI độc lập của Trung Quốc sẽ hình thành nhanh chóng - và kéo theo đó là nhu cầu giảm dần với sản phẩm của Nvidia.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của Nvidia, mà còn đe dọa vị thế thống trị của Mỹ trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Nvidia đang đứng giữa hai lực kéo trái chiều. Một bên là nhu cầu mở rộng thị trường tại Trung Quốc - vốn chiếm hơn 20% doanh thu của hãng, một bên là sức ép tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ chính phủ Mỹ. Nếu không có các điều chỉnh kịp thời trong chính sách, Mỹ có thể sẽ vô tình tạo điều kiện cho các đối thủ công nghệ mới nổi, làm suy yếu lợi thế cạnh tranh hiện tại.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ac-mong-cua-nvidia-deepseek-su-dung-chip-huawei-de-dao-tao-ai-232167.html