Bình Dương nỗ lực duy trì thành quả Chỉ số PAPI

Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) năm 2024 của Bình Dương đạt tổng điểm 45,39, đứng hạng 9 trong cả nước. Các chỉ số nội dung quản trị điện tử, thủ tục hành chính công; công khai, minh bạch của Bình Dương thuộc nhóm tốt. Đây là kết quả để chính quyền tỉnh Bình Dương rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng dịch vụ công, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy chính trị.

Thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền

Người dân được hướng dẫn thực hiện TTHC ở Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh-Chi nhánh Thuận An

Người dân hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ cấp cơ sở trong thực hiện TTHC

Chỉ số PAPI là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung, gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Chỉ số PAPI năm 2024 của Bình Dương đạt tổng điểm 45,39

Theo kết quả Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa công bố về Chỉ số PAPI, Bình Dương đạt tổng điểm 45,39, trong đó nhiều chỉ số nội dung đạt điểm tốt, thuộc nhóm đầu cả nước như: quản trị điện tử đạt 4,06 điểm; công khai, minh bạch 5,88 điểm; cung ứng dịch vụ công 7,76 điểm; thủ tục hành chính công 7,40 điểm; tham gia của người dân ở cấp cơ sở 4,87 điểm…

Kết quả này là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng dịch vụ công. Đi sâu vào phân tích các chỉ số thành phần có thể thấy Bình Dương đang nỗ lực duy trì thành quả Chỉ số PAPI từ năm 2021 đến nay.

Người dân Bình Dương làm TTHC trực tuyến ngày càng nhiều

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, kết quả này đáp ứng kỳ vọng của tỉnh, là sự ghi nhận, động viên từ người dân đối với hệ thống chính trị.

Chỉ số PAPI 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thu thập thông tin kịp thời về những gì đang diễn ra trong công tác quản trị, hành chính công nói chung mà còn quan tâm tới những gì người dân đang trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ của nền hành chính Nhà nước.

Kết quả cũng thể hiện những trải nghiệm, các mối quan hệ của người dân với các cơ quan chính quyền địa phương và còn là công cụ đánh giá hiệu quả thực tế của các cấp chính quyền bằng cách tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của mình.

Cải cách toàn diện

Năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch về cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2024, triển khai đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ CCHC về các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác CCHC của tỉnh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả thực hiện công tác CCHC, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh.

Kế hoạch này với kỳ vọng tạo ra cuộc cải cách toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với nhân dân.

Người dân Bình Dương ngày càng quan tâm, nắm bắt và tham gia nhiều hơn vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương

Nhìn lại kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh Bình Dương cho thấy, những năm trước chỉ số không cao, tuy nhiên sự thăng hạng vượt bậc ở trong các năm 2021, 2022 và đều đứng hạng 2 cả nước; năm 2024 đứng hạng 9 cả nước cho thấy Bình Dương đã khơi thông được điểm nghẽn, tìm ra đáp án cho bài toán cải thiện Chỉ số PAPI, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại chuyên nghiệp, vì dân phục vụ.

Từ những thông tin công bố, người dân Bình Dương ngày càng quan tâm, nắm bắt và tham gia nhiều hơn vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương, góp phần cải thiện chỉ số nội dung về “cung ứng dịch vụ công”. Tỷ lệ người dân Bình Dương truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bình Dương để tìm hiểu về các TTHC thuộc mức cao của cả nước.

Chỉ số PAPI năm 2024 đã phản ánh sự vươn lên của tỉnh. Đây cũng là nguồn động viên lớn để những người làm công tác chuyên môn từ cấp tỉnh và cơ sở phát huy kết quả đạt được, nhất là ở các nội dung trách nhiệm giải trình trước nhân dân của cán bộ lãnh đạo cơ sở và việc giải quyết hồ sơ công cho người dân trong giai đoạn hiện nay.

Báo cáo PAPI 2024 đặc biệt nhấn mạnh những cải thiện ở các chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”. Kết quả điều tra của PAPI là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng dịch vụ công, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền.

HỒ VĂN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/binh-duong-no-luc-duy-tri-thanh-qua-chi-so-papi-a346344.html