ACB: sẽ trả cổ tức tỷ lệ 25%, nhưng chưa xác định bằng tiền mặt hay cổ phiếu

ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Tại cuộc gặp với Công ty Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) mới đây, lãnh đạo ACB cho biết, năm 2023 Ngân hàng sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là 14-15%. Tăng trưởng huy động thấp hơn và sát với tín dụng, ước đạt 10% so với năm trước

Trên cơ sở đó, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 là trên 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14-15%.

Còn về kế hoạch trả cổ tức 2022, ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được ĐHCĐ thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

ACB kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm; tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.

ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5% và tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng, chỉ 0,74%. Đặc biệt, ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động về thanh khoản, lãi suất trong năm qua, ACB vẫn kết thúc năm với tất cả các chỉ số an toàn thanh khoản rất tốt.

Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20%. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12,2% và 12,8%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và cả khi thị trường căng thẳng.

Riêng đối với tiền gửi không kỳ hạn (CASA), năm 2022, CASA của ACB giảm từ 25,5% xuống 22,3% vào năm 2022 do ngân hàng phải tăng cường huy động tiền gửi có kỳ hạn để cân đối nguồn vốn.

Dự báo xu hướng CASA sẽ giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 và hồi phục từ quý III/2023 sau khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn giảm nhiệt. Mục tiêu CASA ngân hàng thuộc top 5, đạt trên 26%.

Năm 2023, ACB có kế hoạch dư nợ các khoản vay bất động sản là khoảng 99.300 tỷ đồng, chiếm 24% tổng danh mục cho vay, cho vay cá nhân mua nhà chiếm 82% tổng danh mục cho vay liên quan bất động sản. Cho vay mua nhà dự án là khoảng 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ACB dự kiến vẫn sẽ cho vay bất động sản với khẩu vị rủi ro chặt chẽ.

ACB cho biết hoạt động bancassurance trong thời gian tới, cụ thể là hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm của ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, gia tăng nguồn thu ngoài lãi. Lãnh đạo Ngân hàng này kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trên 30% hằng năm.

Ngày 13/1/2023 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.

Đáng chú ý, khác với 3 năm trước, Ngân hàng Nhà nước không còn yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Thay vào đó, cơ quan này chỉ khuyến khích các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/acb-se-tra-co-tuc-ty-le-25-nhung-chua-xac-dinh-bang-tien-mat-hay-co-phieu-post314917.html