ActionAid quốc tế tại Việt Nam tham gia Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam trở thành thành viên thứ 27 và là thành viên quốc tế thứ 23 của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Chiều ngày 8/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức gặp mặt cuối năm của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Chương trình có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Quốc phòng; nhiều cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam, các đại sứ quán, tổ chức Chính phủ và phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam.
Với sự tín nhiệm cao của các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, chính thức đảm nhận vị trí Đồng Chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhiệm kỳ từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2026.
Bà Pauline Tamesis đã có hơn 20 năm kinh nghiệm đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các cơ quan của Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và tại các quốc gia như Bangladesh, Campuchia và Việt Nam.
“Hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu” là chủ đề được Liên hợp quốc phát động và định hướng xuyên suốt trong những năm vừa qua, nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia trong công tác cảnh báo, dự báo và chuẩn bị trước thiên tai. Chính sách chiến lược của Liên hợp quốc đã được Việt Nam hưởng ứng và tích cực triển khai trong nhiều hoạt động, trên nhiều lĩnh vực ở cả trung ương và địa phương.
Cũng tại chương trình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam - hai cơ quan đồng chủ trì Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - đã trao chứng nhận cho đại diện của tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) trở thành thành viên thứ 27 và là thành viên quốc tế thứ 23 của Đối tác.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chúc mừng bà Pauline Tamesis và Văn phòng đại diện ActionAid quốc tế tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên quốc tế thứ 22 của Đối tác.
Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai có sự tham gia của 19 tổ chức quốc tế và 4 bộ liên quan tại Việt Nam. Sau gần 5 năm hoạt động, Đối tác đã và đang khẳng định được vai trò và hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai.
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khí hậu ngày càng bất thường và đòi hỏi chúng ta cần chủ động, quan tâm nhiều hơn đến nó, cần phải sẵn sàng hơn với những nguy cơ về sự thay đổi mà nó có thể mang lại.
Cũng thật may mắn, chúng ta đều đã thống nhất cao với nhau rằng: hành động sớm trước thiên tai không chỉ là định hướng của toàn cầu, không chỉ là Tuyên bố của ASEAN về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mà nó còn là mục tiêu thực hiện trong tương lai gần của các tổ chức, cơ quan, ban, ngành trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Mỗi thành viên của đối tác, với nguồn lực của mình, với thế mạnh của tổ chức, sẽ cùng nhau đồng hành với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chủ động nhất có thể trước các loại hình thiên tai.
Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai được thành lập theo Quyết định số 3922/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/10/2019 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối tác có sự tham gia của 19 tổ chức quốc tế và 4 bộ liên quan tại Việt Nam. Sau gần 5 năm hoạt động, Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã và đang khẳng định được vai trò và hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường ở nước ta. Trên nhiều vùng miền của cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, gây thiệt hại tương đương gần 20.000 tỷ đồng. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - cơ quan thường trực của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - đã phối hợp các tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan trên cả nước, các tổ chức quốc tế để đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó, cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Trong đó, triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” là ưu tiên hàng đầu của công tác phòng, chống thiên tai.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, lực lượng tại chỗ là yếu tố quyết định, kèm theo là các trang-thiết bị hỗ trợ cho lực lượng tại chỗ, góp phần quyết định trong nâng cao hiệu quả hoạt động cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Các tổ chức thành viên của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã và đang tích cực áp dụng phương án “4 tại chỗ” trong các chương trình, dự án cứu trợ và ứng phó trước, trong và sau thiên tai, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong cả nước.
Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường ở nước ta. Trên nhiều vùng miền của cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, gây thiệt hại tương đương gần 20.000 tỷ đồng.
Nhân dịp gia nhập Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid quốc tế tại Việt Nam, cho biết, tổ chức này luôn kiên định đồng hành với Việt Nam trong công tác giảm nghèo và phát triển bền vững từ hơn 30 năm qua. Hằng năm, ActionAid đều dành ít nhất 5% đến 20% tổng ngân sách tài trợ (tương đương từ 6 đến 24 tỷ đồng) cho các hoạt động về phòng, chống và cứu trợ thiên tai trong cả nước.
Bà Hoàng Phương Thảo mong muốn sẽ đem các kinh nghiệm về hỗ trợ thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật chủ động tham gia các hoạt động lập kế hoạch, diễn tập và thực hiện phòng, chống thiên tai và cứu trợ khẩn cấp tới chia sẻ với các thành viên khác trong Đối tác và học hỏi kinh nghiệm của họ trong các hoạt động khác. Đồng hành với cộng đồng xây dựng năng lực chuẩn bị chủ động hơn, thích ứng tốt hơn với thiên tai để cộng đồng giảm nhẹ rủi ro thiên tai là một trong hai ưu tiên quan trọng nhất của ActionAid tại Việt Nam giai đoạn 2024-2027.
Việt Nam là quốc gia có nhiều loại địa hình, thời tiết phức tạp, do vậy luôn hứng chịu nhiều thiên tai hằng năm. Bên cạnh sự thay đổi của khí hậu, các rủi ro thiên tai ngày càng có liên hệ mật thiết đến quá trình phát triển thiếu bền vững.
Ngoài việc tích cực trang bị các kiến thức, kỹ năng, thái độ chủ động sẵn sàng cho người dân, ActionAid và các thành viên của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ tập trung nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn tới có các công cụ và ứng dụng kỹ thuật số để xử lý tốt hơn các thông tin cảnh báo sớm và thực hiện tốt cam kết của Việt Nam trong Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, trong đó có mục tiêu nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai.