Afghanistan: Căng như dây đàn
Tình hình ở Afghanistan ngày càng trở nên căng thẳng khi lực lượng Taliban đang gia tăng các cuộc tấn công nhằm mở rộng phạm vi chiếm giữ các thành phố và thị trấn. Trong bối cảnh này, trước khi có được một giải pháp chính trị cốt lõi, thì tìm kiếm các giải pháp nhân đạo tại Afghanistan là việc cấp bách.
Tình hình khẩn cấp
Taliban trong thời gian gần đây đang tranh thủ việc các lực lượng quân đội nước ngoài bắt đầu giai đoạn rút quân cuối cùng khỏi nước này (Mỹ và NATO) để mở rộng các cuộc tấn công nhằm lấn chiếm lãnh thổ, đánh bật các lực lượng an ninh Chính phủ ra khỏi nhiều khu vực.
Theo số liệu mới nhất được công bố bởi Bộ Quốc phòng, kể từ tháng 4, lực lượng Taliban đã chiếm được quyền kiểm soát thủ phủ của 193 quận và 19 quận nằm tại vùng biên. Trong khi đó, các Lực lượng Quốc phòng và An ninh nước này cũng giành lại thủ phủ của 9 quận. Dù vậy, hiện vẫn còn hơn 200 quận nằm ngoài quyền kiểm soát của Chính phủ.
Ngoài ra, Taliban cũng đã giành được 10 cửa khẩu biên giới giữa Afghanistan với các nước láng giềng tại các tỉnh Takhar, Kunduz, Badakhshan, Herat và Farah. Điều này dẫn tới việc ngừng trệ hoàn toàn việc đi lại và buôn bán hai bên biên giới tại các khu vực này.
Kể từ ngày 14/4, gần 4.000 binh lính Chính phủ đã thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương trong các cuộc giao tranh với Taliban. Bộ Các vấn đề Hòa bình của Afghanistan cho biết, Taliban đã tổ chức khoảng 22.000 cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các lực lượng Chính phủ trong 4 tháng qua khiến 2.000 thường dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và 2.200 người bị thương. Bên phía phiến quân cũng thương vong khoảng 24.600 người.
Hiện các lực lượng Chính phủ Afghanistan đang nỗ lực ngăn chặn một thành phố cấp tỉnh đầu tiên có thể bị Taliban chiếm giữ sau khi lực lượng này đẩy mạnh tấn công nhằm vào các trung tâm đô thị hồi cuối tuần qua.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn lực lượng Afghanistan Ajmal Omar Shinwari nhấn mạnh đây là “tình hình khẩn cấp.” Tuy nhiên, ông cho biết, các lực lượng Afghanistan sẽ quyết tâm đẩy lùi các cuộc tấn công trên.
Trong một động thái mới nhất từ chính phủ, ngày 3/8, Ngoại trưởng Afghanistan Mohammad Haneef Atmar cho biết, chính quyền Kabul sẵn sàng hợp tác với phong trào Hồi giáo Taliban, với điều kiện là phong trào này phải chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Ông Atmar tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc cùng với Taliban, sẵn sàng để họ tham gia vào chính phủ, sẵn sàng hòa hoãn và chia sẻ quyền lực với họ nếu họ chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”.
Ngoại trưởng Afghanistan cho hay, nước này chỉ cần tương lai của Afghanistan phải được quyết định bởi ý nguyện tự do của nhân dân.
Bắt đầu di tản
Ngày 3/8, phát biểu tại một cuộc họp báo về tình hình ở Afghanistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Taliban phải chịu trách nhiệm về “những hành động bạo lực thái quá và tàn bạo” đang gia tăng ở Afghanistan trong thời gian gần đây.
Ông Ned Price nhấn mạnh: “Trong hầu hết các trường hợp, phải có một bên chịu trách nhiệm về những hành động bạo lực dã man và tàn bạo đã gây ra đối với người dân Afghanistan, và đó là Taliban. Tất nhiên, còn có các nhóm khủng bố khác cũng đang hoạt động, nhưng chúng ta đã thấy thời gian gần đây Taliban đã gia tăng các cuộc tấn công. Họ không mấy quan tâm đến tính mạng và quyền của người dân, ngay cả quyền cơ bản nhất của người dân Afghanistan, đó là được sống trong sự an toàn và an ninh”.
Liên Hợp Quốc trong một tuyên bố cũng đưa ra cảnh báo: “Nếu không có sự giảm leo thang bạo lực đáng kể, Afghanistan sẽ chứng kiến số thương vong dân sự cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong 1 năm”.
Để nhằm thực hiện những cam kết khi rút quân và giúp đỡ người dân Afghanistan, ngày 3/8, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp nhận thêm hàng nghìn người tị nạn Afghanistan, tạo cơ hội cho họ tới Mỹ định cư và ổn định cuộc sống mới do lo ngại về sự an toàn của những người từng làm việc với lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á này trong bối cảnh Washington chấm dứt can dự quân sự kéo dài 20 năm qua ở Afghanistan.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các điều kiện để công dân Afghanistan nộp đơn xin tị nạn tại Mỹ sẽ được mở rộng, gồm cả những người Afghanistan từng làm việc cho các tổ chức truyền thông có trụ sở tại Mỹ hay các tổ chức phi chính phủ hoặc làm việc trong các dự án được Mỹ hỗ trợ tài chính.
Bộ trên cũng sẽ tiếp nhận thêm những người Afghanistan từng làm phiên dịch hay đóng vai trò hỗ trợ khác cho các lực lượng thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan, song không đáp ứng được những yêu cầu trước đây về thời gian phục vụ.
Hiện, khoảng 20.000 người Afghanistan làm phiên dịch cho Mỹ trong thời gian binh lính Mỹ tham chiến tại đây đã đệ đơn xin tị nạn tại Mỹ để tránh sự trả thù của lực lượng Taliban. Ông Ned Price cho biết, Mỹ đang tiếp tục xem xét tình hình thực tế ở Afghanistan và sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch trên để phù hợp với tình hình.
Phát biểu về việc tiếp nhận người xin tị nạn từ Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ có nghĩa vụ “đảm bảo thực hiện tốt các cam kết của mình đối với những người đặc biệt, những người tự đặt mình và gia đình vào tình thế nguy hiểm để giúp đỡ chúng tôi”.
Trước đó, ngày 23/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép chi 100 triệu USD từ một quỹ khẩn cấp để hỗ trợ giải quyết các vấn đề di cư khẩn cấp liên quan đến tình hình tại Afghanistan. Mỹ cũng thông báo bắt đầu sơ tán hàng nghìn người Afghanistan từng hợp tác với phương Tây đang lo sợ bị Taliban trả thù.
Chuyến bay đầu tiên chở những người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ đã đến Mỹ hôm 30/7.
Trong bối cảnh tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng ở Afghanistan, ngày 3/8, hãng thông tấn Interfax dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow sẽ điều động bổ sung binh sĩ tham gia các cuộc tập trận quân sự ở khu vực biên giới Tajikistan-Afghanistan. Theo kế hoạch, các cuộc tập trận diễn ra từ ngày 5-10/8 sẽ có 1.800 binh sĩ Nga tham gia, tăng 800 người do với dự kiến ban đầu. Tổng cộng, cuộc tập trận lần này có khoảng 2.500 binh lính tham gia.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/afghanistan-cang-nhu-day-dan-5660395.html