Afghanistan đối diện nguy cơ nội chiến

Nội chiến trong khu vực có thể tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy

Hãng hàng không Afghanistan Ariana (AAA) ngày 4-9 đã nối lại một số chuyến bay nội địa giữa thủ đô Kabul và 3 thành phố khác, sau khi đội kỹ thuật từ Qatar giúp tái mở cửa sân bay Kabul nhằm phục vụ hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế cũng như các dịch vụ trong nước.

Theo đài Al Jazeera, đường băng sân bay Kabul đã được đội kỹ thuật trên sửa chữa với sự hợp tác của giới chức Afghanistan. Đây là một bước tiến mới trong nỗ lực đưa quốc gia này trở lại trạng thái bình thường sau 3 tuần đầy biến động.

Mở lại sân bay Kabul, nơi bị đóng cửa kể từ khi chiến dịch sơ tán quy mô lớn của Mỹ và các nước phương Tây kết thúc, là ưu tiên hàng đầu của Taliban nhằm khôi phục trật tự sau khi chiếm được quyền kiểm soát Kabul vào ngày 15-8.

"Tôi muốn bảo đảm với mọi người rằng sân bay quốc tế Hamid Karzai (HKIA) đã an toàn" - chỉ huy Taliban phụ trách an ninh sân bay Muhammad Salim Saad thông báo, đồng thời cho biết HKIA đã sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế.

Bộ Ngoại giao Qatar cho biết một chuyến bay viện trợ nhân đạo từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã hạ cánh xuống HKIA vào ngày 4-9, một ngày trước khi chuyến bay nhân đạo của Qatar đáp xuống sân bay này.

Binh sĩ của Mặt trận Kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRFA) trên một ngọn núi gần thung lũng Panjshir. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ của Mặt trận Kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRFA) trên một ngọn núi gần thung lũng Panjshir. Ảnh: REUTERS

Phần lớn cộng đồng quốc tế đến giờ vẫn chưa tuyên bố liệu họ có công nhận Taliban là chính phủ hợp lệ của Afghanistan hay không. Do đó, các nguồn tài chính và quyền tiếp cận tài sản của quốc gia này vẫn đang bị đóng băng.

Tại Mỹ, đài ABC News dẫn một số nguồn thạo tin cho biết giới lập pháp nước này gần như chắc chắn viện trợ nhân đạo cho người dân địa phương và những người tị nạn Afghanistan. Tuy nhiên, họ sẽ không làm điều tương tự với chính phủ mới của Afghanistan, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Tương tự, các cường quốc châu Âu tuyên bố sẵn sàng làm việc với Taliban và gửi viện trợ nhân đạo nhưng sự công nhận chính thức, cũng như sự hỗ trợ kinh tế sâu rộng hơn, sẽ phụ thuộc vào hành động, chứ không phải cam kết của Taliban.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley ngày 4-9 cảnh báo nguy cơ nội chiến lan rộng ở Afghanistan sau khi toàn bộ binh sĩ Mỹ rút khỏi quốc gia này, chấm dứt sứ mệnh quân sự kéo dài 2 thập kỷ.

Theo ông Milley, nội chiến trong khu vực có thể tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy. Giới chức và các nhà lập pháp Mỹ lo ngại Afghanistan có thể trở thành căn cứ để các nhóm khủng bố tấn công Mỹ, đặc biệt là khi Washington và đồng minh không còn hiện diện quân sự tại quốc gia này.

Cảnh báo trên được Tướng Milley đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa Taliban và Mặt trận Kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRFA) vẫn diễn ra ác liệt tại Panjshir - tỉnh duy nhất của quốc gia này đang chống lại Taliban. Hai phía đều tuyên bố thắng thế ở Panjshir nhưng không cung cấp bằng chứng thuyết phục.

Người phát ngôn Taliban Bilal Karimi hôm 4-9 tuyên bố phong trào này đã chiếm được 4/7 quận của Panjshir, trong đó có 2 quận mới gồm Khinj và Unabah.

Cùng ngày, người phát ngôn NRFA Fahim Dashti tuyên bố lực lượng phản kháng, dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Ahmad Massoud - con trai "mãnh sư Panjshir" Ahmad Shah Massoud - đã tiêu diệt 600 tay súng Taliban ở các quận khác nhau của Panjshir trong buổi sáng. "Thêm hơn 1.000 thành viên khác của Taliban bị bắt hoặc đầu hàng. Taliban đang gặp vấn đề về tiếp tế từ các tỉnh khác của Afghanistan" - ông Dashti cho biết, theo đài Sputnik.

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/afghanistan-doi-dien-nguy-co-noi-chien-20210905204210949.htm