Agribank luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch Covid-19

Trong năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cùng ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quyết liệt cùng chính quyền các cấp thực hiện mục tiêu kép.

Để hiểu rõ hơn về những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn ông Phan Văn Bá - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Năm qua, tác động bởi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Agribank có những chủ trương, chính sách gì nhằm tháo gỡ khó khăn nói trên cho khách hàng?

Ông Phan Văn Bá: Năm 2020, Agribank là một trong những ngân hàng sớm chính thức ban hành các văn bản chỉ đạo các chi nhánh triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những khách hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 đã kịp thời được Agribank tháo gỡ khó khăn là các khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời miễn, giảm phí các giao dịch ngân hàng điện tử cho khách hàng, hỗ trợ và khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán online tránh tiếp xúc trực tiếp trong mùa dịch. Ngoài ra, Agribank còn dành nhiều nguồn vốn tín dụng đầu tư với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng khách hàng khác nhau để giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất có nguồn vốn khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh… Trong năm 2020, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay, trong đó có 4 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 9 lần giảm phí dịch vụ, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 2,5% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Tính đến thời điểm cuối năm 2021, Agribank đã thực hiện miễn giảm lãi cho khách hàng, với số tiền gần 5.000 tỉ đồng, cho 3,2 triệu khách hàng và dư nợ hơn 1,3 triệu tỉ đồng.

Riêng tại Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã miễn giảm cho 10.393 khách hàng, số tiền giảm hơn 30,8 tỉ đồng, số dư nợ hơn 10.000 tỉ đồng. Việc thực hiện chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu được chúng tôi công khai, minh bạch, hồ sơ thủ tục đơn giản hóa, bảo đảm đúng đối tượng. Song song đó, năm 2021, Agribank đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi về lãi suất như: gói tín dụng có quy mô 100.000 tỉ đồng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; gói 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng khách hàng khu vực đô thị; gói 15.000 tỉ đồng và 300 triệu USD cho vay ưu đãi lãi suất khách hàng xuất nhập khẩu... Từ ngày 17-5-2021, Agribank triển khai chính sách miễn phí chuyển tiền trong hệ thống trên tất cả các kênh giao dịch và miễn phí chuyển tiền ngoài hệ thống trên kênh giao dịch điện tử như: ATM, E-Mobile Banking, Internet Banking… Đồng thời, triển khai nhiều đợt miễn phí phát hành thẻ nội địa, miễn phí chuyển đổi thẻ chip nội địa; giảm phí rút tiền trên ATM…

Phóng viên: Được biết, ngoài những chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn, khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của Agribank thì trong những năm qua, Agribank còn tích cực tài trợ, ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Xin ông cho biết cụ thể về hoạt động an sinh xã hội tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng?

Ông Phan Văn Bá: Agribank luôn khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn và đi đầu thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp lớn đối với cộng đồng, được Đảng, Chính phủ ghi nhận là doanh nghiệp có thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới, ngân hàng vì cộng đồng, doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và phát triển cộng đồng. Chính vì vậy, Agribank luôn tích cực triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động xã hội từ thiện giàu ý nghĩa nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới cộng đồng và vì sự phát triển của cộng đồng. Agribank giữ vai trò tích cực trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn trong cả nước. Mỗi năm Agribank đều dành hàng trăm tỉ đồng để thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tài trợ giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, quan tâm chia sẻ và hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và giảm thiểu thiệt hại thiên tai dịch bệnh, hướng về biển, đảo quê hương…

Riêng tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Agribank tài trợ 4 tỉ đồng để xây dựng 100 căn nhà ở cho hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở; tài trợ 25 tỉ đồng xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Trần Đề; tài trợ 5 tỉ đồng xây dựng Trường Tiểu học Long Phú B; tài trợ 5 tỉ đồng xây dựng Trạm Y tế xã Gia Hòa 2… Đặc biệt, năm 2021 Agribank và Agribank Sóc Trăng đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh với số tiền gần 2 tỉ đồng. Ngoài ra, trong năm 2021, 100% cán bộ, viên chức và người lao động Agribank Chi nhánh Sóc Trăng tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 1 tỉ đồng.

Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra, về phía Agribank có đưa ra những sản phẩm dịch vụ trực tuyến hoặc các giải pháp hỗ trợ khác nhằm giúp khách hàng hạn chế đi lại hay không, thưa ông?

Ông Phan Văn Bá:Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và nguy hiểm như hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã thể hiện rõ ưu thế về tính an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Do vậy, xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ các hoạt động thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến và được khách hàng ưu tiên lựa chọn sử dụng. Agribank luôn thấu hiểu và mong muốn đem lại sự thuận tiện, an toàn tối đa cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong mùa dịch. Chính vì vậy, trong những năm qua, Agribank đã và đang cung cấp cho khách hàng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh: Internet Banking, Emobile Banking, ngân hàng tự động Autobank CDM, thẻ Visa, thanh toán qua liên kết với các ví điện tử, thanh toán qua POS… Bên cạnh đó, Agribank đã lần lượt cho ra đời các sản phẩm giao dịch trực tuyến như tiền gửi tiết kiệm trực tuyến; mở tài khoản trực tuyến ngay trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking thông qua công nghệ xác thực khách hàng hiện đại (eKYC), đã đem đến rất nhiều thuận lợi cho khách hàng; kích hoạt thẻ, đổi mã PIN trực tuyến… Vì vậy, khách hàng không cần phải đến quầy, chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản và mọi lúc, mọi nơi trên điện thoại thông minh (smartphone) là hoàn thành giao dịch mình mong muốn. Ngoài ra, khách hàng sẽ được sở hữu hệ sinh thái dịch vụ chất lượng với hàng trăm tiện ích cơ bản đến nâng cao như: thanh toán hóa đơn điện, nước, thanh toán VNPAY-QR, tiện ích đặt vé máy bay, tàu, xe, khách sạn, taxi, mua sắm trực tuyến VnShop…

Như tôi đã nói ở trên, đại dịch Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng to lớn đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây ra những tổn thất nặng nề đến nhiều ngành nghề và làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Ngành ngân hàng, trong đó có Agribank vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn cho khách hàng và người lao động, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh nhằm đảm bảo các giao dịch của khách hàng được thông suốt, không bị gián đoạn. Để đáp ứng 2 mục tiêu trên, Agribank đã phát triển gia tăng tiện ích, cung cấp các sản phẩm ngân hàng hiện đại giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sử dụng nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Q.B (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/agribank-luon-dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-trong-dai-dich-covid-19-54526.html