Agribank tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng
Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, đồng thời tích cực triển khai các chính sách như: cơ cấu lại nợ; hỗ trợ lãi suất và nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khác...
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa diễn ra, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực, trách nhiệm, vượt qua khó khăn của các đơn vị, cán bộ, người lao động toàn hệ thống; đồng thời nhấn mạnh toàn hệ thống tiếp tục tập trung nguồn lực để khắc phục khó khăn, triển khai quyết liệt những nhóm giải pháp trọng tâm để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Trong 6 tháng cuối năm, toàn hệ thống Agribank tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình cân đối vốn, chủ động dự báo để điều hành linh hoạt lãi suất, chi phí điều vốn nội bộ... nhằm đảm bảo cân đối, tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Trong công tác tín dụng, Agribank tiếp tục chủ động, linh hoạt bám sát diễn biến thị trường, tập trung tăng trưởng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi tốt, giữ vững thị phần...
Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, sản phẩm hiện có, tập trung xây dựng, triển khai kịp thời các chương trình, sản phẩm tín dụng mới nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng.
Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, trong 6 tháng đầu năm Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nỗ lực hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, đồng thời tích cực triển khai các chính sách như: cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 57,4 tỷ đồng…
Agribank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng như: chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng…
Với mục tiêu không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh, Agribank phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhất là các sản phẩm ngân hàng hiện đại.
Agribank tiếp tục tăng cường hợp tác với các công ty Fintech, trung gian thanh toán, đối tác để phát triển hệ sinh thái công nghệ số cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt, an toàn, tiện lợi với chi phí thấp.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn chủ động và tích cực với các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, trạm y tế, đường giao thông nông thôn...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Agribank đã ủng hộ 215 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên cả nước, trong đó tính riêng kinh phí dành cho hoạt động xây nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết là 56 tỷ đồng, kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục là 69 tỷ đồng, lĩnh vực y tế gần 55 tỷ đồng.
Ngày 24/6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tương ứng với số lợi nhuận còn lại Agribank thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023, tối đa là 17.100 tỷ đồng; trong đó 6.753 tỷ đồng được thực hiện từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt; phần còn lại 10.347 tỉ đồng được bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Đến 30/6/2023, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định.
Agribank luôn giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư cho khu vực "Tam nông" chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam./.