Ai Cập cảnh báo đanh thép Israel trước kế hoạch tấn công mới
Ai Cập và Ả-rập Xê-út vừa lên tiếng sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu báo hiệu sắp thực hiện một chiến dịch tấn công vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza.
Ngày 9/2, ông Netanyahu cho biết đã yêu cầu quân đội trình bày với nội các kế hoạch vừa sơ tán dân thường trong thành phố vừa tiêu diệt các tiểu đoàn còn lại của Hamas.
Thủ tướng Netanyahu cho rằng cuộc tấn công vào Rafah là rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu loại trừ Hamas.
Đầu tuần này, người đứng đầu Chính phủ Israel bác bỏ các điều khoản "ảo tưởng" của Hamas về thỏa thuận con tin, trong đó có điều kiện Israel rút toàn bộ quân khỏi Dải Gaza và thả hàng trăm người đang thụ án chung thân.
Tạp chí Phố Wall đưa tin, các quan chức Ai Cập vừa cảnh báo rằng hiệp ước hòa bình suốt hàng thập kỷ giữa Ai Cập và Israel có thể bị đình chỉ nếu Lực lượng Phòng vệ Israel tiến vào Rafah, hoặc nếu bất kỳ người tị nạn nào của Rafah bị ép phải di chuyển về phía nam vào Bán đảo Sinai.
Ngày 10/2, Ả-rập Xê-út ra tuyên bố cảnh báo về “những hậu quả cực kỳ nguy hiểm nếu tấn công vào Rafah ở Dải Gaza”, vì thành phố này là “nơi ẩn náu cuối cùng của hàng trăm nghìn người”.
Ả-rập Xê-út đặt điều kiện bình thường hóa quan hệ với Israel là chấm dứt thù địch và tiến tới thành lập một nhà nước Palestine.
Reuters đưa tin, trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng người tị nạn ồ ạt, trong hai tuần qua Ai Cập bố trí khoảng 40 xe tăng gần biên giới với Dải Gaza. Trước đó, Ai Cập đã gia cố bức tường biên giới và lắp đặt thêm thiết bị giám sát.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden công khai cảnh báo rằng cuộc tấn công Rafah sẽ là một “thảm họa”.
Cũng trong ngày 10/2, Hamas ra tuyên bố nói rằng hành động quân sự của Israel ở Rafah sẽ gây ra hậu quả thảm khốc, “có thể khiến hàng chục nghìn người tử vì đạo và bị thương”, và lực lượng này sẽ “buộc chính quyền Mỹ, cộng đồng quốc tế và Israel” phải chịu trách nhiệm.
Từ khi bắt đầu tấn công vào Dải Gaza, Israel kêu gọi người dân ở phía bắc sơ tán xuống phía nam. Rafah là thành phố tận cùng phía nam của dải đất và giáp biên giới với Ai Cập.