AI chỉ là trợ lý, không thay thế, không vượt quá kiểm soát của con người

Về vai trò của trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo (AI), Bộ trưởng Nguyên Mạnh Hùng cho rằng AI không thay thế, không vượt quá kiểm soát của con người mà là trợ lý, giúp giải phóng con người khỏi một số việc cũ để mở rộng nội hàm nghề nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 66 điểm cầu hôm 29/7.

Chia sẻ một số quan điểm, định hướng về chuyển đổi số, quản trị số, hạ tầng số, về vai trò quyết định của người đứng đầu đối với sự thành công của chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quan điểm của Bộ là AI không thay thế, không vượt quá kiểm soát của con người mà là trợ lý, giúp giải phóng con người khỏi một số việc cũ để tập trung vào những việc mới trong nghề nghiệp, mở rộng nội hàm nghề nghiệp, nâng cái nghề của mình lên một tầm cao hơn.

Theo Bộ trưởng Hùng, các công ty công nghệ sẽ cung cấp hạ tầng lưu trữ và công cụ huấn luyện trợ lý ảo, cá nhân và tổ chức đưa hệ tri thức của mình vào, tập huấn AI và sử dụng.

Trong quá trình sử dụng thì xuất hiện tri thức mới và sẽ được cập nhật vào trợ lý ảo. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác ChatGPT. Đối với ChatGPT thì công ty công nghệ làm dữ liệu, còn cách tiếp cận của Việt Nam là công ty công nghệ làm công cụ (tools) để giúp khách hàng làm dữ liệu của mình. Với cách này có thể làm trợ lý ảo đến mức từng cá nhân.

 Robot trí tuệ nhân tạo trợ giảng đầu tiên của Việt Nam được phát triển và hoàn thiện từ sớm (năm 2020).

Robot trí tuệ nhân tạo trợ giảng đầu tiên của Việt Nam được phát triển và hoàn thiện từ sớm (năm 2020).

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng việc quan trọng nhất, quyết định nhất của chuyển đổi số là mọi hoạt động của mọi nhân viên, từ cấp thấp nhất trong một hệ thống, một tổ chức phải được ghi nhận trên môi trường số, nếu không có phần mềm thì phải cập nhật hàng ngày công việc của mình lên môi trường số. Điều này có thể dễ dàng thực hiện được bằng cách hành chính hóa, thể chế hóa, và luật hóa.

Sau khi hoàn thành việc này, chuyển đổi số gần như đã xong, đặc biệt là đối với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Công việc còn lại là sử dụng AI để phân tích, đánh giá và đề xuất. Đây là điểm mấu chốt để chuyển đổi số các tổ chức hiệu quả

Cấp trên phải khuyến khích, hỗ trợ cấp dưới làm thí điểm

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong chuyển đổi số, làm thí điểm thành công rồi mới phổ cập. Làm thí điểm thì người đứng đầu chỉ đạo, thí điểm thì cách làm là quan trọng. Làm thí điểm thì phải làm nhanh, làm đến cùng, làm xong, dùng được, có hiệu quả thiết thực. Cấp trên phải khuyến khích, hỗ trợ cấp dưới làm thí điểm. Thí điểm thì phải đặt trọng tâm vào những nơi có thể tạo ra đột phá. Sau thí điểm thành công thì nhanh chóng nhân rộng, phổ cập ra toàn quốc. Giai đoạn phổ cập cần có mục tiêu cụ thể, tiêu chuẩn chất lượng và thời hạn rõ ràng. Đây cũng là giai đoạn đánh giá cán bộ đạt hay không đạt.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, trong đó 70% của quá trình chuyển đổi số là thay đổi và 30% là công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Người đứng đầu có vai trò quyết định đối với sự thành công của chuyển đổi số. Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng".

Dẫn nghiên cứu của McKinsey, Bộ trưởng chỉ ra sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công của chuyển đổi số lên 1,6-1,8 lần, và mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu chuyển đổi số có thêm kế hoạch rõ ràng và mục tiêu cụ thể.

Trong chuyển đổi số, khái niệm nghề nghiệp cần được mở rộng, định nghĩa lại vì không gian mạng là một không gian mới. Định nghĩa lại nghề nghiệp, lĩnh vực chính là mở rộng không gian hoạt động của mình. Việc của lãnh đạo một tổ chức, đơn vị chính là định nghĩa lại nghề của mình, mở rộng không gian hoạt động của đơn vị mình.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 61% kế hoạch năm 2024.

Ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp vào GDP của ước đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2024 ước khoảng 1.530.528 lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ai-chi-la-tro-ly-khong-thay-the-khong-vuot-qua-kiem-soat-cua-con-nguoi-post176878.html