Ai chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan?
Tổng thống Joe Biden đã quyết định rút quân Mỹ ở Afghanistan để kết thúc cuộc chiến dài nhất nước Mỹ. Vào thời điểm Taliban vươn mình trở lại, vấn đề trách nhiệm lại được dấy lên.
Thắng lợi chóng vánh của Taliban trước lực lượng Afghanistan trong suốt hai tuần qua khiến các quan chức tình báo lẫn quân đội Mỹ bất ngờ, đặt nước này vào sự chỉ trích rằng đã bỏ rơi đồng minh.
Các tờ báo lớn đều miêu tả khung cảnh những chiếc trực thăng Mỹ sà xuống đám đông chật ních đường băng ở sân bay Hamid Karzai, trong khi các chiến binh Taliban đặt súng lên bàn tổng thống Afghanistan, người đã ra nước ngoài trước khi Taliban tiến vào.
Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận bước tiến của Taliban ở Afghanistan đã diễn ra "nhanh hơn Mỹ dự đoán", nhưng sẽ “thật sai lầm” nếu cho rằng giữ quân Mỹ có thể duy trì nguyên trạng ở Afghanistan, theo CNN.
Trái ngược với quan điểm của Ngoại trưởng Blinken, ông Dov Zakheim, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Zing rằng: “Nhiều người Afghanistan đã sẵn sàng chiến đấu với Taliban ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt. Sự hiện diện của các lực lượng Mỹ khiến Taliban ‘cứng họng’. Riêng sức mạnh không quân Mỹ từ Bagram cũng đã góp phần ngăn chặn Taliban”.
Thực tế diễn ra ở Afghanistan cùng với nguy cơ về cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng dấy lên câu hỏi về vai trò và mục đích của sứ mệnh quân sự Mỹ suốt 20 năm qua.
Vấn đề ở đâu?
"Không nghi ngờ rằng việc rút quân Mỹ là một nhân tố quan trọng kéo theo sự sụp đổ của quân đội (Afghanistan). Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất", Zakheim nói thêm.
Theo ông Zakheim, bộ máy lãnh đạo yếu kém kết hợp với tinh thần người lính bị ảnh hưởng do thiếu trang thiết bị, lương thực cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống phòng thủ Afghanistan vỡ vụn nhanh chóng.
Hôm 16/8, bảo vệ hành động rút người của mình, Tổng thống Joe Biden cho biết: "Sau 20 năm, tôi học được rằng không bao giờ có một thời điểm thích hợp để rút quân Mỹ về nước”. Theo đó, Mỹ mang đến Afghanistan “mọi cơ hội” để định hình tương lai, và thứ Mỹ không thể cung cấp chính là “ý chí chiến đấu vì tương lai đó”.
“Các nhà lãnh đạo Afghanistan đã bỏ cuộc. Họ chạy khỏi đất nước”, ông Biden cho biết. “Những diễn biến trong tuần qua cho thấy việc kết thúc can dự quân sự của Mỹ ở Afghanistan lúc này là một quyết định đúng đắn", ông Biden khẳng định.
Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng chính quyền Afghanistan đã thiếu sót, tham nhũng, thiếu ổn định và kém hiệu quả. Chính phủ không thể thực thi vai trò đối với hầu hết công dân, đồng thời cũng không thể đáp ứng những kỳ vọng lớn dần trong xã hội.
Nhưng theo National Interest, thực tế này đôi khi tách biệt với các chính sách của Mỹ ở Afghanistan. Sau 20 năm, Mỹ dường như chưa thể xây dựng một thể chế vững vàng tại Afghanistan, và cuối cùng là đổ lỗi cho khả năng thích nghi của quốc gia Nam Á.
Ngoài ra, cách làm của Mỹ có thể đã tạo nên một hệ thống bầu cử thiếu phù hợp qua hai nhiệm kỳ tổng thống là Hamid Karzai và Ashraf Ghani, xây dựng lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan theo hướng phải phụ thuộc nhiều vào trang bị Mỹ, và rồi rút đi mà không có kế hoạch duy trì những cam kết.
Đằng sau chính sách của ông Biden
Năm 2011, trên cơ sở các thỏa thuận do chính quyền George W. Bush đàm phán trước đó, Tổng thống Barack Obama đã rút quân đội Mỹ khỏi Iraq.
Dù một số người kêu gọi ông Obama gia hạn thỏa thuận, ông Obama đã từ chối. Chính quyền Bush đã cho ông Obama cơ hội rút lui vào một thời điểm thích hợp, ông Obama đã nắm lấy nó.
Quyết định của ông Obama được đưa ra trong thời điểm thời hạn rút quân theo cam kết đến gần, còn Iraq đã có một thời kỳ tương đối ổn định.
Dù động thái của ông Obama đã hứng chịu chỉ trích, hành động rút quân được đưa ra trên cơ sở về sự lạc quan, tinh thần tôn trọng các cam kết của Mỹ và niềm hy vọng vào tương lai Iraq.
Tuy nhiên, 3 năm sau, ngay Phòng Bầu dục, ông Biden (khi đó là phó Tổng thống Mỹ) đã theo dõi sự sụp đổ của quân đội Iraq. Được Mỹ trang bị và đào tạo, lực lượng chính phủ Iraq đã không thể chống cự trước bước tiến của các chiến binh IS thời điểm đó.
Iraq mất 2,5 năm để sụp đổ, trong khi tại Afghanistan, thời gian kể từ lúc thủ phủ tỉnh đầu tiên đầu hàng đến khi Kabul thất thủ là chưa đầy 2 tuần rưỡi.
Quyết định của ông Biden được đưa ra trên cơ sở các thỏa thuận Mỹ đã đạt được với Taliban thời cựu Tổng thống Donald Trump. Như cách ông Biden lập luận, Mỹ không bao giờ có thể giành chiến thắng, vì vậy, hành động đúng đắn là giảm tổn thất và rời đi, theo National Interest.
Trên thực tế, khi chiến tranh ở Afghanistan bước sang năm thứ 20, Mỹ đã phải đánh đổi hàng nghìn sinh mạng và hàng nghìn tỷ USD. Những người tiền nhiệm của ông Biden đã dùng nhiều cách tiếp cận khác nhau, để giải quyết các vấn đề của chính phủ Afghanistan và tìm hướng đánh bại Taliban, nhưng đều không có kết quả.
“Trong hai mươi năm chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ đã gửi những người ưu tú nhất, đầu tư gần 1 nghìn tỷ USD, đào tạo hơn 300.000 binh sĩ Afghanistan, trang bị cho họ những thiết bị quân sự hiện đại và duy trì lực lượng không quân trong cuộc chiến dài nhất nước Mỹ”, ông Biden nói.
“Sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan để đảm bảo Afghanistan sẽ không bị sử dụng làm căn cứ (cho các lực lượng khủng bố) tấn công Mỹ một lần nữa. Mỹ đã hoàn thành mục tiêu đó”, ông Biden cho biết.
“Một hay 5 năm nữa, sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không tạo ra khác biệt nếu quân đội Afghanistan không thể làm chủ đất nước mình”, ông Biden khẳng định.
Những ngày sắp tới
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết từ giữa tháng 7, các lực lượng đã sơ tán 3.600 người khỏi Afghanistan. Theo lời ông Biden, 6.000 quân Mỹ trở lại Kabul sắp tới sẽ giới hạn phạm vi nhiệm vụ, ưu tiên đưa người dân và các đồng minh của Mỹ đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt.
Trong một cảnh quay trên truyền thông Afghanistan, hàng trăm người chạy cùng một chiếc C-17 của quân đội Mỹ, một số cố gắng trèo lên bánh xe hay bám vào càng máy bay bất chấp mọi hy vọng.
Đối với người Afghanistan, dù Taliban hứa đảm bảo an toàn và kêu gọi ở lại, đám đông trên các đường băng ở Hamid Karzai đã cho thấy sự hoảng loạn và tuyệt vọng. Nhiều người Afghanistan sợ hãi về khả năng bị trả thù và lo lắng về những tháng ngày dưới chế độ cai trị của Taliban sắp tới.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Zakheim nói với Zing: “Mối lo của tôi là Taliban sẽ một lần nữa thu nạp những tên khủng bố thánh chiến. Tôi nghi ngờ rằng sẽ không có sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế”.
Dù có những thiếu sót trong 20 năm cố gắng, các nhà ngoại giao đã giúp hàng triệu người có cơ hội được giáo dục, tiếp cận công nghệ, kết nối với thế giới và thể hiện bản thân mình.
Hôm 16/8, Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an đã kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Afghanistan, viện trợ nhân đạo cho đất nước và thành lập một chính phủ bảo vệ quyền của phụ nữ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia cần "sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Afghanistan và kiềm chế các hành động trục xuất".
Trong thời điểm hiện tại, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Trong đó, việc đảm bảo một chính phủ mới do Taliban thành lập phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của phụ nữ nói riêng và người dân Afghanistan nói chung đóng vai trò quan trọng hàng đầu.