Ai chịu trách nhiệm nếu trình dự án đầu tư không chính xác?

Chiều 6-11, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Những vấn đề nóng, dư luận quan tâm được kỳ họp thẳng thắn tranh luận, phân tích, mổ xẻ và đề xuất giải pháp khắc phục vướng mắc.

Tranh luận “nóng” vấn đề phân kỳ đầu tư tuyến đường cao tốc

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, ĐB đã phát biểu về tuyến đường Cam Lộ - Túy Loan tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội (ngày 1-11) vừa qua và khẳng định đây là sự việc có thực. Trách nhiệm chính về vấn đề này thì không phải của Bộ GTVT, nhưng cần nêu ra vấn đề ở đây là tuyến đường cao tốc có 2 làn xe, chưa được giải phóng mặt bằng, trong giai đoạn 2 mở rộng thì phải chắc chắn thực hiện. Do đó sẽ gây ra lãng phí, tốn kém rất lớn về nguồn lực quốc gia. ĐB đề nghị Bộ trưởng kiểm tra lại vấn đề này và tham mưu Chính phủ khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng và nâng cấp tuyến đường này.

Trả lời, Bộ trưởng cho biết Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tư công, có đoạn 4 làn xe, có đoạn 2 làn xe; đoạn La Sơn – Túy Loan triển khai theo hình thức BT có 2 làn xe. Quan điểm từ nhiệm kỳ này là cố gắng giải phóng 1 lần, còn đầu tư có thể hoàn chỉnh hoặc phân kỳ. Cả 2 đoạn tuyến này đều đã giải phóng mặt bằng xong, do đó Bộ trưởng đề nghị ĐB kiểm tra lại thông tin vì dự án này đã được giải phóng mặt bằng. Đây là tuyến đường vừa mở ra đã có lưu lượng xe rất đông, do đó sẽ phải mở rộng. Nhưng theo quy định phải sau 1 năm bảo hành thì mới tiếp tục mở rộng dự án. Thời gian tới, Bộ sẽ có tham mưu đề xuất mở rộng 2 tuyến này.

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tiếp tục đưa ra tranh luận: Bộ trưởng Bộ GTVT chưa trả lời việc đầu tư tuyến đường cao tốc mà không có làn xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn hay không?

“Chỉ cần trả lời là có hay không phù hợp nhưng Bộ trưởng lại trả lời về tiêu chí để xây dựng đường. Trả lời vậy là chưa phù hợp. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đầu tư để tiến hành đầu tư xây dựng làn đường cho đỗ xe khẩn cấp là sự lãng phí. Trong các cuộc thảo luận tại hội trường, đối với các tuyến đường đầu tư về giao thông mà không có làn cho xe dừng khẩn cấp thì các ĐB đã có ý kiến nhưng không được tiếp thu. Đến nay, chúng ta lại tiến hành đầu tư về làn đường khẩn cấp thì là rất lãng phí trong đầu tư”, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu.

Trả lời về tiêu chuẩn đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, đối chiếu với tiêu chuẩn của Việt Nam là đang phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành quy chuẩn này trong quý 1-2024.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc được nhiều ĐB chất vấn, tranh luận, nên Bộ trưởng Bộ GTVT cần nghiên cứu, xem xét vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Vấn đề phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc được nhiều ĐB chất vấn, tranh luận, nên Bộ trưởng Bộ GTVT cần nghiên cứu, xem xét. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Vấn đề phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc được nhiều ĐB chất vấn, tranh luận, nên Bộ trưởng Bộ GTVT cần nghiên cứu, xem xét. Ảnh: QUANG PHÚC

“Vốn liếng của ta không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng. Nhưng, vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt mức tối thiểu như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông thì Bộ GTVT cần suy nghĩ thêm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng, ngay cả những đoạn vừa hoàn thành trong cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ Cao Bồ đi Thanh Hóa và Thanh Hóa đi Diễn Châu, theo quan sát và nhiều người cho rằng, số lượng xe tham gia giao thông rất ít, vì tốc độ chỉ có 80 km/giờ và không có làn đường khẩn cấp. Do đó, chỉ cần một xe bị tai nạn hoặc bị xịt lốp thì sẽ tắc nghẽn tất cả, vì vậy rất cần xem xét vấn đề này…

Dành 375 ngàn tỷ xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng cũng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) chất vấn: Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp. ĐB đặt vấn đề, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?

Quan điểm của Bộ GTVT về phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục… Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã dành 375.000 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có các tuyến đường cao tốc, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu. Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi. Do đó, phải phân kỳ đầu tư, vì nguồn lực chúng ta có hạn. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng phải thực hiện phân kỳ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Chúng ta ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với những đoạn có lưu lượng giao thông lớn, phân kỳ đầu tư với những tuyến có nhu cầu vận tải chưa cao, nhưng cũng chỉ phân kỳ đầu tư độ rộng của cao tốc, còn mọi tiêu chuẩn đều bảo đảm, đó cũng là cách mà các quốc gia đang làm. Vừa qua, chúng ta giải phóng mặt bằng hoàn thiện cho các tuyến cao tốc, để sau này mở rộng làn thuận lợi.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ trình Quốc hội để ưu tiên hoàn thiện các tuyến cao tốc hiện chỉ có 2 làn xe, đồng thời hoàn thiện các tuyến cao tốc có mật độ giao thông cao.

Ai chịu trách nhiệm, nếu không bố trí được chỗ ở cho 47.159 hộ vùng thiên tai?

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về nguyên nhân chậm chi trả tiền bảo vệ rừng. Theo ĐB, năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện, như với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)

Cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị cho biết nguyên nhân và trách nhiệm về việc bố trí cho 47.150 hộ vùng thiên tai. Cụ thể, tại Nghị quyết 134 của Quốc hội có yêu cầu Chính phủ xây dựng, triển khai đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Chính phủ cũng đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. So với mục tiêu đề ra của Thủ tướng đến năm 2025 thì cả nước cần bố trí ổn định cho 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai. Vậy đâu là nguyên nhân của chậm trễ trên, trách nhiệm thuộc về ai và nếu không thực hiện được mục tiêu bố trí cho 47.150 hộ này thì ai chịu trách nhiệm trước Quốc hội?

Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách. Chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300.000-400.000 đồng/ha/năm. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh định mức này còn thấp. Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo nghị định của Chính phủ nâng mức lên thành 400.000-600.000 đồng. Về nhu cầu, theo định mức của Bộ NN-PTNT thì phải từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng, tuy nhiên, chúng ta cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ NN-PTNT cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng. Vấn đề này sẽ được báo cáo Quốc hội sau.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Về vấn đề di dân với khu vực phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tiến độ thực hiện công việc của Bộ NN-PTNT đang chậm, vì công việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương. Các địa phương bố trí các dự án tái định cư, khi được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, có trường hợp dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả. Bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp tập quán nên bỏ đi. Bộ đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình với Chính phủ để các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững.

Các đại biểu dự phiên chất vấn chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên chất vấn chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của ĐB về vấn đề sạt lở, sụt lún, cho biết Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, giải pháp của Bộ TN-MT là tăng cường khả năng cảnh báo thiên tai; bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương.

Thời gian qua, Bộ TN-MT cũng phối hợp các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng sự phát triển; đồng thời, đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở; chỉ rõ bản đồ sạt lở để tăng cường cảnh báo người dân…

Song song, bộ xây dựng các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, chống sạt lở, kè sông suối. Trong đó, có các dự án chống sạt lở khu vực ĐBSCL tới 2 tỷ USD.

Đối với các tỉnh miền núi, tăng cường cảnh báo khu vực sạt lở cao, di dời dân đến vùng an toàn.

Đại biểu Ma Thị Thúy. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Ma Thị Thúy. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp và đã có nhiều vụ án được phanh phui, điều tra. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TN-MT trong thời gian qua, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Theo Bộ trưởng, trách nhiệm trong vấn đề này chủ yếu là quản lý của địa phương. Tuy nhiên, bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ các địa phương để ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Trả lời câu hỏi của ĐB liên quan tín chỉ carbon, Bộ trưởng cho biết, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung liên quan. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành thị trường carbon; Bộ TN-MT đang dự thảo ban hành các nghị định liên quan quản lý và liên quan thực hiện phát thải ròng cùng nguyên tắc, nguyên lý công bằng đối với tiếp cận toàn cầu.

Thực tế, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu, với vai trò của Bộ TN-MT cùng các bộ, ngành sẽ hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm nội dung về tín hiệu carbon.

Ai chịu trách nhiệm nếu trình dự án đầu tư không chính xác?

ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn, 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025 dành cho giao thông vận tải, nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Như vậy cho thấy, công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư là không chính xác. Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác này thuộc về ai?

“Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?” – ĐB nêu.

Đại biểu Lê Hoàng Anh. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Lê Hoàng Anh. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2025, ngành được giao 64 dự án, tổng vốn 300.000 tỷ đồng, đến nay đã phê duyệt 60 dự án, đang triển khai.

Trong quá trình triển khai, cơ bản các dự án đều tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có cũng ít. Duy nhất ở ĐBSCL có 3 dự án tăng tổng mức đầu tư cao, trong đó có Cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. Nguyên nhân là khi khảo sát thiết kế dự án rơi vào giai đoạn cao điểm dịch Covid-19, nên khảo sát chưa được triệt để; nhưng chủ yếu là do đơn giá giải phóng mặt bằng, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư. Bộ GTVT đã nghiêm túc xem xét trách nhiệm, phối hợp thanh kiểm tra để quy trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, từ nhà thầu, ban quản lý dự án, đến bộ phận thẩm định, đơn vị tư vấn… Bộ khẳng định sẽ xử lý nghiêm các sai phạm.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Điều chỉnh quy chuẩn về đường cao tốc

ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc rất được cử tri quan tâm. Tại sao nhiều tuyến cao tốc chỉ cho phép vận tốc tối đa là 80km/h, khiến chưa phát huy sự tối ưu của tuyến cao tốc. Trong khi đó, Quốc lộ 1A mật độ giao thông dày đặc nhưng vẫn có những đoạn cho phép tối đa 90km/giờ?

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, vận tốc tối đa của đường cao tốc có quy chuẩn, từ 60-80-120km/h, tùy tiêu chuẩn từng tuyến đường. Cùng tuyến cao tốc nhưng từng đoạn có vận tốc khác nhau, vì chỉ cần khác nhau 1 tiêu chuẩn. Vừa qua, các đơn vị liên quan đã kiểm tra, cho thấy những đoạn đang có tốc độ 80km/h có thể nâng lên 90km/h. Bộ GTVT cũng đã xem xét, điều chỉnh quy chuẩn về đường cao tốc, tới đây sẽ ban hành, theo hướng có thể nâng lên 90km/giờ.

Sớm sửa 3 luật để khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm

Tiếp tục vấn đề vướng mắc trong pháp luật về đầu tư công, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, phải sửa cả 3 luật: Đầu tư công, Quản lý tài sản công và Ngân sách nhà nước.

Được yêu cầu làm rõ vấn đề liên quan sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các khoản chi có tính chất đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Luật Đầu tư công ban hành năm 2014, được sửa đổi năm 2019; lần sửa đổi năm 2019 hoàn toàn không có các nội dung liên quan vấn đề này. Luật Ngân sách nhà nước ban hành năm 2015 cũng tương tự.

“Sau khi ban hành 2 luật này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất”, ông Mạnh nêu rõ. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52, Thông tư 108, đặc biệt là Thông tư số 92 năm 2017 hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên.

Đáng lưu ý, ngày 29-7-2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65 có hiệu lực từ ngày 15-9-2021. Thông tư này không điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản nhưng lại bãi bỏ Thông tư 92 năm 2017 kể từ 15-9-2021.

Theo ông Lê Quang Mạnh, trong năm 2022, các địa phương, bộ, ngành đều vướng mắc. Trong đó, vướng mắc quan trọng là do không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để lập dự toán, thanh toán cũng như thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng... Để giải quyết vướng mắc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng có thể đề nghị UBTVQH giải thích pháp luật theo đúng quy định của Chương 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, Bộ Tài chính có căn cứ sửa lại như Thông tư của Bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng về vấn đề này, ĐB Trần Hữu Hậu cho biết đã nhiều lần nêu ra trong các kỳ họp trước và vướng mắc hiện nay đang nằm ở Thông tư 65 năm 2021 của Bộ Tài chính. ĐB Hậu đề nghị ngoài vấn đề giải thích pháp luật, nên sửa pháp luật theo hướng đưa nội dung về chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào trong luật.

“Đề nghị Quốc hội xem xét nội dung về sửa Luật Ban hành quy phạm pháp luật để chúng ta có thể trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật về chỉ một nội dung, một vấn đề hoặc một vài vấn đề nhưng có thể đi ngay vào cuộc sống, giải tỏa nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm”, ĐB Hậu nhấn mạnh.

Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Ngân sách có hiệu lực từ năm 2015, đến nay không có vướng mắc. Luật Đầu tư công cũng ban hành khá lâu và đã một lần sửa đổi bổ sung. Việc phân loại các dự án đầu tư công khác với việc phải làm các danh mục dự án đầu tư. Hàng khóa, Quốc hội quyết định danh mục đầu tư công của Trung ương và ở địa phương thì quy định danh mục đầu tư công của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ký, đóng dấu gửi ngay văn bản này, báo cáo Chính phủ và gửi cho các cơ quan, bộ, ngành Liên quan. Trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà có yêu cầu giải thích, thì UBTVQH sẽ giải thích pháp luật.

Liệu có xảy ra vụ nào như SCB nữa không?

Cuối phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh, bản thân ông và cử tri chung lo ngại việc hiện có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang trong vòng kiểm soát đặc biệt.

"Liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không, xin Thống đốc cho biết để khách hàng gửi tiền yên tâm", ĐB Hòa nêu và cho rằng, việc kiểm soát đặc biệt một số ngân hàng là rất nguy hiểm.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Không trả lời thẳng “có” hay "không", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh Covid-19 và kinh tế thế giới đình trệ, lạm phát như vừa qua càng khó khăn hơn. Việc tái cơ cấu ngân hàng cũng chưa có tiền lệ, tìm được nhà đầu tư tự nguyện tham gia càng khó khăn. Tuy nhiên, NHNN đã xây dựng đề án, đã qua quá trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền và sẽ sớm hoàn thiện, triển khai thực hiện.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn chiều 6-11

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn chiều 6-11

Theo báo cáo tổng hợp các vấn đề tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại phiên họp sáng, từ 2015, NHNN Việt Nam đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây dựng (Việt Nam CB, sau đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.

Song, tiến độ tái cơ cấu những ngân hàng này rất chậm. Tháng 10-2022, có thêm NHTMCP Sài Gòn (SCB), được đặt vào kiểm soát đặc biệt. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8-2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (DongABank).

ANH PHƯƠNG - PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ai-chiu-trach-nhiem-neu-trinh-du-an-dau-tu-khong-chinh-xac-post712976.html