AI chưa đủ thuyết phục người dùng đổi điện thoại

Quảng cáo về các tính năng AI tích hợp ngay trên smartphone, các hãng đều muốn thu hút người dùng nâng cấp. Song, đây vẫn chưa phải lúc bạn nên đổi smartphone chỉ vì AI.

 Tính năng Circle to Search trên Samsung Galaxy S24. Ảnh: Phương Lâm.

Tính năng Circle to Search trên Samsung Galaxy S24. Ảnh: Phương Lâm.

2024 là năm của điện thoại AI. Hệ thống AI trên thiết bị (AI on-device) mở ra hàng loạt khả năng mới cho người dùng smartphone, từ dịch thuật cuộc gọi theo thời gian thực, xóa/chèn vật thể vào ảnh chụp. Ngoài Google Pixel 9 hay Samsung Galaxy S24, Apple cũng nhanh chóng nhập cuộc với Apple Intelligence, tích hợp công cụ AI vào mọi tính năng như cá nhân hóa emoji, tóm tắt tin nhắn văn bản…

Song, điều này không có nghĩa là bạn phải mua điện thoại mới để sở hữu những tính năng mới nhất. Tích hợp AI vào smartphone, Samsung và Google chỉ đang đưa ra giải pháp cho một vài bất cập nhỏ nhặt, như chụp ảnh nhóm thiếu người hay giao tiếp với người nói ngôn ngữ khác.

Trên thực tế, những công cụ này không hoàn hảo như nhiều người tưởng, hay thậm chí là gây bất tiện trong quá trình sử dụng.

AI chưa thay đổi cách bạn sử dụng smartphone

Samsung, Google và Apple đều đã giới thiệu, hoặc có kế hoạch ra mắt các tính năng AI mới cho các tác vụ thông dụng như chỉnh sửa ảnh, tạo hình ảnh bằng AI, tóm tắt hoặc viết lại văn bản... Chúng cho thấy tiềm năng tương lai, nhưng chưa mang lại những thay đổi lớn trong quá trình sử dụng điện thoại.

 Tính năng Sketch to Image của Samsung. Ảnh: Cnet.

Tính năng Sketch to Image của Samsung. Ảnh: Cnet.

Lấy chiếc Pixel 9 mới ra mắt làm ví dụ. Các tính năng AI nổi bật của smartphone bao gồm khả năng tìm kiếm nội dung trong ảnh chụp màn hình, thay đổi một đối tượng trong ảnh thành một đối tượng khác, tóm tắt cuộc gọi qua điện thoại, tóm tắt dự báo thời tiết và tạo hình ảnh theo yêu cầu. Bản thân những công cụ này chỉ hữu ích ở một vài trường hợp cụ thể.

Trong khi đó, các tính năng khác như tìm kiếm từ ảnh chụp màn hình, tóm tắt cuộc gọi và thời tiết nghe có vẻ hữu ích. Nhưng chúng cũng chỉ là những tính năng nhỏ, chưa đủ sức ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dùng.

Galaxy AI của Samsung trên Galaxy S24 Ultra và Galaxy Z Fold6 cũng gặp tình trạng tương tự.

Giống với Google, chỉnh sửa ảnh và tạo nội dung văn bản là trọng tâm chính của Samsung. Cụ thể là các tính năng như Generative Edit (để xóa hoặc thay đổi các đối tượng trong ảnh) và Sketch to image (tạo hình ảnh dựa trên các bản phác thảo thô). Samsung cũng tích hợp một số tính năng dịch thuật như Live Translate.

Cụ thể, AI của Samsung sẽ trở thành thông dịch viên trung gian giữa bạn và người đối diện để dịch các cuộc gọi điện thoại theo thời gian thực.

Điện thoại của Samsung cũng có thể dịch toàn bộ chuỗi tin nhắn văn bản sang một ngôn ngữ khác. Song, trừ khi bạn thích đi du lịch hoặc thường xuyên tiếp xúc với người nói ngôn ngữ khác, tính năng này vẫn chưa đủ sức trở thành lý do chính để mua điện thoại mới.

Với Táo khuyết, Apple Intelligence mới chỉ xuất hiện trong phiên bản iOS Beta dành cho nhà phát triển. Nó cũng có các tính năng quen thuộc như tạo hình ảnh, tóm tắt hoặc viết lại văn bản.

Nhưng với cây bút Lisa Eadicicco của Cnet, nhược điểm lớn nhất của các công cụ này là chúng vẫn không mang lại cảm giác giống con người. Đơn cử như các văn bản được tạo bằng tính năng soạn thảo Composer của Samsung nghe rất khái quát và chung chung vì chúng được viết bởi AI.

 Bức ảnh này được chụp bằng tính năng Add Me mới của Pixel 9, khi 2 người đi với nhau nhưng trong ảnh vẫn đủ người. Ảnh: Cnet.

Bức ảnh này được chụp bằng tính năng Add Me mới của Pixel 9, khi 2 người đi với nhau nhưng trong ảnh vẫn đủ người. Ảnh: Cnet.

Hay tính năng Add Me của Google lại tạo cảm giác như người dùng đang cố tạo dựng một buổi chụp ảnh thay vì chỉ chụp ảnh thông thường với bạn bè. Đối với những người chưa quen với tính năng mới, việc sử dụng Add Me cần có một quá trình làm quen. Những bức ảnh nhận được cũng không phải lúc nào cũng trông tự nhiên, cây bút Cnet nhận định.

Những thách thức khi tích hợp AI vào điện thoại

Các tính năng dịch thuật của Samsung cũng không ngoại lệ. Khi sử dụng Live Translate, người dùng sẽ khó xác định khi nào nên bắt đầu và ngừng nói để AI dịch thuật.

Chế độ hội thoại - giúp hiển thị bản dịch trên smartphone gập của Samsung - nghe có vẻ cũng khá hữu ích về mặt lý thuyết. Tính năng này giúp bạn xem bản dịch nội dung những gì nười đối diện đang nói ngay trên màn hình kép của Z Fold, Z Flip.

Nhưng khi phóng viên Lisa Eadicicco của Cnet thử dùng tại một khu chợ nhộn nhịp ở Paris, rất khó để cô tập trung vào cuộc trò chuyện vì phải chú ý đến những gì đang hiển thị trên màn hình. Cuối cùng, phóng viên đã mua hàng theo cách truyền thống: chỉ tay, ra hiệu và sử dụng vốn tiếng Pháp bập bẹ để miêu tả.

Cây bút Patrick Holland của Cnet cũng đã thử tính năng này ở Paris để gọi cà phê. Song, bản dịch không chính xác đã khiến nhân viên pha chế người Pháp cảm thấy bối rối.

Dù vậy, những khuyết điểm kể trên không có nghĩa là AI trên smartphone hoàn toàn vô dụng. Điều khiến AI thực sự hữu ích là khả năng hiểu dữ liệu trên điện thoại và phục vụ nhu cầu tìm kiếm của người dùng mà không tốn nhiều công sức.

Đơn cử như tính năng Circle to Search cho phép bạn tìm kiếm gần như mọi thứ trên Google bằng cách vẽ một vòng tròn xung quanh vật thể bất kỳ.

 Tính năng chỉnh sửa hình ảnh bằng AI trên Samsung Galaxy S24. Ảnh: Phương Lâm.

Tính năng chỉnh sửa hình ảnh bằng AI trên Samsung Galaxy S24. Ảnh: Phương Lâm.

Theo Cnet, các hãng đang nỗ lực biến điều đó thành hiện thực nhanh nhất có thể. Những nâng cấp gần đây trên chatbot Gemini của Google là minh chứng rõ nhất. Ví dụ, bạn có thể gọi Gemini và yêu cầu nó phân tích nội dung hiển thị trên màn hình của bạn, đặt câu hỏi về video YouTube bạn đang xem.

Đáng chú ý, các tính năng như Circle to Search và Gemini không yêu cầu bạn phải nâng cấp smartphone mới có thể sử dụng. Circle to Search đã có mặt trên nhiều loại dòng điện thoại Galaxy và Pixel trong vài năm qua. Gemini cũng có sẵn trên kho ứng dụng Android và tích hợp trong Google của iOS.

Có vẻ như Apple cũng sẽ đi theo hướng tương tự. Với Apple Intelligence, hãng muốn biến iPhone thành trợ lý ảo thực sự mà không cần phải chạm, vuốt nhiều để hoàn thành tác vụ.

Nhưng để đạt đến mục tiêu đó, các hãng phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan đến ảo giác (hallucination). Hay các công cụ như Pixel Studio và Reimagine (thay đổi các đối tượng trong ảnh thành một đối tượng khác) có thể được sử dụng để tạo ra những hình ảnh đáng lo ngại, bất chấp quy định của Google.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-chua-phai-ly-do-de-doi-dien-thoai-moi-post1493809.html