Ai có nguy cơ mắc zona tái phát?

Bệnh Zona (Hespes Zoster) là một bệnh da thần kinh, do cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu có tên gọi là Varicella Zoster virus (VZV) gây nên. Đặc trưng bởi tổn thương mụn nước, đau dọc theo dây thần kinh.

Nhận biết bệnh zona thần kinh

Thời kỳ ủ bệnh zona thần kinh chưa được xác định rõ ràng, nhưng khoảng thời gian từ 7 đến 12 ngày, tùy theo từng thể trạng của người bệnh.

Thời gian khởi phát bệnh sẽ là vài ngày trước khi nổi tổn thương, bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát vùng sắp nổi tổn thương, có thể có sưng hạch lân cận.

Các biểu hiện toàn phát sẽ có những dấu hiệu như: Xuất hiện rát đỏ, gờ hơi cao, thường là hình bầu dục, sắp xếp dọc theo một dây thần kinh. Tổn thương có thể đứng riêng rẽ nhau hoặc liên kết lại với nhau thành một dải, dừng lại ở đường giữa của cơ thể. Sau vài giờ các mụn nước sẽ xuất hiện và hình dạng của mụn sẽ là trong suốt, căng.

Trên các rát đỏ, các mụn nước đục dần, một số liên kết với nhau và trở thành những phỏng nước lớn giống như các mảng da bị bỏng nhiệt.

Khoảng sau 4 - 5 ngày các mụn nước, bọng nước teo lại rồi khô dần, để lại những vảy tiết nhỏ, màu vàng ngả nâu, nền đỏ nhạt dần, xẹp xuống và trở thành màu nâu. Một số mụn nước và nhất là các bọng nước vỡ ra, có thể tạo thành những ổ loét khá sâu trên da và điều này sẽ để lại sẹo vĩnh viễn gây mất thẩm mỹ của da. Ở vùng da lành cùng phía với tổn thương, đôi khi có một vài mụn nước lưu vong, ít xuất hiện các mụn lưu vong ở phía đối diện.

Ngoài ra, các dấu hiệu zona thần kinh khác có thể là tình trạng viêm hạch lân cận xuất hiện sớm, trước hoặc sau tổn thương da, gây đau. Các rối loạn cảm giác tuy không phải bệnh nhân nào cũng có, song rất hay gặp.

Các cơn đau nhức thần kinh, có lan ra xa các điểm đau cố định, tồn tại lâu dài, cảm giác nóng rát trên vùng da sắp xuất hiện hoặc đã xuất hiện các mụn nước. Ở người trẻ, thường chỉ đau nhẹ hoặc không đau; trái lại ở người già triệu chứng đau đặc biệt dữ dội và tồn tại lâu.

Bên cạnh các rối loạn cảm giác ngoài da (tê xen kẽ với quá cảm ở trên các đám thương tổn), còn có thể gặp các rối loạn về phản xạ da, hoặc đôi khi chứng liệt (liệt cơ liên sườn, liệt các dây thần kinh sọ não, nhất là dây VII), liệt rễ thần kinh các chi. Hiện tượng teo cơ, rối loạn giao cảm, viêm tủy lan ngược gây tử vong cũng có thể gặp trong một số trường hợp.

Zona là bệnh da liễu có ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể phá hủy làn da của người bệnh. Ảnh minh họa.

Zona là bệnh da liễu có ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể phá hủy làn da của người bệnh. Ảnh minh họa.

Ai hay bị zona và dễ tái phát?

Zona là bệnh da liễu có ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể phá hủy làn da của người bệnh. Ai cũng có thể mắc zona thần kinh, nhưng sẽ gia tăng nguy cơ khi có các yếu tố thuận lợi như:

Sau một nhiễm trùng cấp tính như: Sởi, cúm, viêm phổi, sốt rét.
Người già hay những người suy giảm miễn dịch do bệnh tật.
Người bị mắc bệnh đái tháo đường;
Người đang điều trị bệnh bằng chiếu tia kéo dài;
Người bị chấn thương thần kinh, cột sống…

Hiện nay, đa phần các trường hợp bị zona thần kinh tấn công đều là người có tuổi, người già và người có tiền sử mắc bệnh thủy đậu trước đó.

Zona tái phát được hiểu là mắc zona sau lần mắc zona lần gần nhất với khoảng cách giữa hai lần mắc ít nhất là 6 tháng. Bệnh được cho là ít tái phát, với tỉ lệ tái phát khoảng 4.8-12/1000 người/năm sau lần mắc đầu tiên. Zona tái phát hay gặp ở người suy giảm miễn dịch như HIV, ung thư máu.

Theo các nhà nghiên cứu, các yếu tố nguy cơ của tái phát là tuổi từ khoảng 51-70 tuổi. Nghĩa là tuổi càng cao hoặc có bệnh lý nền làm suy giảm hệ miễn dịch, thì nguy cơ tái phát bệnh càng cao.

Ngoài ra, một số người mắc bệnh lý như: Bệnh máu ác tính, bệnh tự miễn, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp… dễ bị tái phát zona. Các ghi nhận cho thấy tỉ lệ tái phát cao hơn ở nữ so với nam, nhóm tuổi từ 45 - 65, người suy giảm miễn dịch so với người không suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên, người ta thấy rằng hệ thống miễn dịch yếu do mắc các bệnh: Bạch cầu, ung thư hạch hoặc HIV, dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch… cũng dễ tái phát zona.

Tóm lại: Zona tuy là bệnh không nguy hiểm nhưng biến chứng của chúng gây không ít phiền muộn cho người bệnh, đặc biệt là gây nên zona thần kinh hoặc loét giác mạc mắt gây mù lòa. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, cần đến bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt, tránh để lại di chứng.

Ngoài ra, tiêm phòng vaccine thủy đậu là cách tốt nhất để tăng sức đề kháng chống lại virus VZV.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-co-nguy-co-mac-zona-tai-phat-169230129104505163.htm