Ai có thẩm quyền sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước trong ngành công an?
Thông tư 38/2020/TT-BCA của Bộ Công an về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong công an nhân dân quy định khá chặt chẽ, cụ thể những người có thẩm quyền sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước trong CAND.
Điều 3 Thông tư 38 về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước nêu rõ, người đứng đầu đơn vị CAND ban hành, phát hành tài liệu hoặc tạo ra vật chứa bí mật nhà nước có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.
Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước thuộc các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành và quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Đối tượng áp dụng của Thông tư 38/2020/TT-BCA của Bộ Công an được áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên CAND (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ); đơn vị Công an cấp đội, đồn, trạm, tiểu đoàn, xã, phường, thị trấn trở lên (gọi tắt là đơn vị CAND) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, Điều 4 Thông tư 38 quy định, người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng, Viện trưởng, Tư lệnh của đơn vị trực thuộc Bộ; Chánh Văn phòng Bộ Công an, Chánh Thanh tra Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;
Ngoài ra, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Giám đốc Học viện Quốc tế; Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...cũng có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật.
Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật gồm: Những người quy định tại khoản 1 Điều này; Hiệu trưởng các CAND (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1); Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an; Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng
Ngoài ra, Thông tư còn nêu rõ, người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước quy định tại khoản 1 và điểm a, b, c khoản 2 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.
Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác.
Đối với việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ, Thông tư 38 quy định rất chặt chẽ. Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước phải được người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu đơn vị CAND trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cho phép.
Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở nước ngoài phải được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Thứ trưởng được ủy quyền cho phép và phải báo cáo Trưởng đoàn công tác….