AI có thể giải mã Enigma 'trong tích tắc'

Mã Enigma là một mật mã khó hiểu khiến mật mã học người Anh Alan Turing và những người giải mã khác phải nỗ lực rất nhiều mới có thể giải mã được. Tuy nhiên, trước sự phát triển của máy tính hiện đại, thành tựu này không phải việc khó.

Máy mã hóa Enigma 4 rotor của Đức được sử dụng để mã hóa các thông điệp thời chiến.

Máy mã hóa Enigma 4 rotor của Đức được sử dụng để mã hóa các thông điệp thời chiến.

Trong khi các chuyên gia Ba Lan đã giải mã các phiên bản đầu tiên của mã Enigma vào những năm 1930 và chế tạo ra các máy chống Enigma, thì những nâng cấp bảo mật sau đó của người Đức khiến Turing phải phát triển các máy mới, hay còn gọi là "Bom", để giúp nhóm giải mã của ông giải mã các thông điệp của kẻ thù. Đến năm 1943, các máy này có thể giải mã hai thông điệp mỗi phút.

Tuy nhiên, trong khi cuộc đua giải mã Enigma đã trở nên nổi tiếng, được cho là đã rút ngắn Thế chiến thứ hai tới 2 năm và tạo ra nhiều bộ phim Hollywood, thì các chuyên gia cho biết, việc giải mã nó sẽ là một vấn đề tầm thường đối với công nghệ hiện nay.

“Enigma không thể chống lại được máy tính và thống kê hiện đại”, ông Michael Wooldridge, giáo sư khoa học máy tính và chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đại học Oxford cho biết.

Thiết bị Enigma là một cỗ máy cơ điện trông giống như máy đánh chữ, với 3 rôto, mỗi rôto có 26 vị trí, một bộ phản xạ gửi tín hiệu trở lại qua các rôto và một bảng cắm đổi cặp chữ cái.

Thiết kế của nó giúp tạo ra các chữ cái khác nhau ngay trên cùng một phím nếu nó được nhấn hai lần. Hơn nữa, các thiết lập ban đầu được thay đổi sau mỗi 24 giờ.

“Về cơ bản, các thiết bị Enigma có được sức mạnh vì số lượng các cách có thể mã hóa một thông điệp là vô cùng lớn. Quá lớn để một con người có thể kiểm tra một cách đầy đủ”, ông Wooldridge cho biết, đồng thời nói thêm rằng, “Bom” là những máy tính cơ học thô sơ được nối dây cứng, tìm kiếm qua vô số các phương án thay thế khả thi để giải mã các thông điệp của Đức Quốc xã.

Tiến sĩ Mustafa A Mustafa, giảng viên cao cấp về bảo mật phần mềm tại Đại học Manchester, nói thêm rằng, chìa khóa thành công của Turing và các đồng nghiệp của ông là Enigma có một số điểm yếu, bao gồm cả việc không có chữ cái nào được biểu diễn như chính nó sau khi được mã hóa.

Tuy nhiên, ngày nay, quá trình này sẽ ít gian nan hơn nhiều, một phần là nhờ công nghệ mà chính ông Turing đã tiên phong: AI. "Sẽ rất dễ dàng để tái tạo logic của ‘Bom’ trong một chương trình thông thường. Mô hình AI của ChatGPT có thể làm được như vậy. Sau đó, với tốc độ của máy tính hiện đại, công việc tốn nhiều công sức của ‘Bom’ sẽ được thực hiện trong thời gian rất ngắn", giáo sư Wooldridge nói.

Ông Wooldridge cho rằng, sức mạnh của các trung tâm dữ liệu hiện đại thật khó tưởng tượng, sức mạnh tính toán đó sẽ khiến Turing kinh ngạc. “Enigma sẽ không thể sánh được với những thứ này”, ông Wooldridge nói.

Sử dụng một cách tiếp cận hơi khác, các nhà nghiên cứu trước đây đã sử dụng một hệ thống AI được đào tạo để nhận dạng tiếng Đức bằng truyện cổ Grimm, cùng với 2.000 máy chủ ảo, để giải mã một thông điệp được mã hóa trong 13 phút.

Trong khi đó, máy tính hiện đại có thể nhanh chóng vô hiệu hóa Enigma, các kỹ thuật như mật mã Rivest-Shamir-Adleman (RSA) – một hệ thống ban đầu được phát triển vào năm 1977 và dựa trên các số nguyên tố lớn – vẫn mạnh mẽ.

Theo ông Mustafa, dù mã Enigma sẽ không trụ được lâu trước công nghệ hiện đại, nhưng việc bẻ khóa nó trong chiến tranh là một thành tựu to lớn, đặc biệt là vì nó được coi là không thể phá vỡ.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ai-co-the-giai-ma-enigma-trong-tich-tac-10305290.html