'Cú lừa' của Apple và Samsung về dung lượng lưu trữ điện thoại

Chi phí tăng đáng kể khi nâng cấp bộ nhớ được cho là chiến lược tối đa hóa lợi nhuận của các hãng smartphone, đặc biệt ở phân khúc cao cấp.

Việc dung lượng lưu trữ trên smartphone nhanh chóng cạn kiệt đã trở thành vấn đề quen thuộc với nhiều người dùng, đặc biệt với các mẫu cơ bản. Thực tế này đặt ra câu hỏi về chiến lược định giá bộ nhớ của các nhà sản xuất lớn như Apple, Google, và Samsung.

Lấy ví dụ, một chiếc iPhone 15 Pro bản cơ bản, bộ nhớ 128 GB có giá lên tới 1.000 USD. Tuy nhiên, có một nghịch lý là các mẫu điện thoại ở phân khúc thấp hơn lại thường được trang bị dung lượng hào phóng hơn nhiều.

Cụ thể, chiếc CMF Phone 2 Pro giá chỉ 280 USD nhưng lại có tới 256 GB bộ nhớ, gấp đôi chiếc iPhone 15 Pro cơ bản. Tương tự, Motorola Edge 60 giá 400 USD sở hữu dung lượng lên tới 512 GB. Theo tác giả Victor Hristov của PhoneArena, sự chênh lệch này cho thấy một nghịch lý: Người dùng chi tiền ít hơn lại nhận được bộ nhớ nhiều hơn đáng kể.

Cách Apple "móc túi" người dùng

Theo PhoneArena, chi phí thực tế để nâng cấp dung lượng lưu trữ từ 128 GB lên 512 GB chỉ khoảng 10 USD. Tuy nhiên, các nhà sản xuất lại tính thêm khoảng 250 USD cho người dùng khi muốn nâng cấp bộ nhớ trên các mẫu flagship.

Mức chênh lệch này, dù không vi phạm pháp luật do giá được niêm yết rõ ràng, bị nhiều người xem là hành vi "kiếm lời bất chính". Một số ý kiến gay gắt hơn còn cho rằng cần có những quy định pháp lý để giới hạn mức chênh lệch giá lưu trữ này, tương tự như cách Liên minh châu Âu đã hành động với cổng sạc Lightning.

"Tôi cảm thấy chiếc iPhone có giá 1.000 USD của mình giống hệt gói khoai tây chiên, mở ra thấy 85% là không khí", cây viết Victor Hristov mô tả.

 CMF Phone 2 Pro chỉ có giá dưới 300 USD nhưng lại có dung lượng lưu trữ gấp đôi chiếc iPhone có giá bán 1.000 USD. Ảnh: PhoneArena.

CMF Phone 2 Pro chỉ có giá dưới 300 USD nhưng lại có dung lượng lưu trữ gấp đôi chiếc iPhone có giá bán 1.000 USD. Ảnh: PhoneArena.

Thực tế, việc bán phiên bản iPhone dung lượng lưu trữ cao cũng là cách để những hãng như Apple hấp thụ chi phí thuế quan.

Cụ thể, Morgan Stanley cho rằng Apple sẽ lặp lại chiến lược đã áp dụng với dung lượng lưu trữ khi chuyển từ iPhone 14 Pro Max sang iPhone 15 Pro Max

Năm 2023, Apple đã bắt đầu bán iPhone 15 Pro Max với giá 1.199 USD, nhưng nhấn mạnh rằng đó là phiên bản 256 GB. Không còn model 128 GB với giá 1.099 USD nữa, vì vậy theo Giám đốc marketing Greg Joswiak của Apple, mức giá này tương đương với "mức giá năm trước cho dung lượng lưu trữ này".

Như vậy, giá khởi điểm của iPhone 15 Pro Max cao hơn iPhone 14 Pro Max, nhưng Táo khuyết hoàn toàn có thể nói rằng giá không đổi nếu xét đến dung lượng lưu trữ.

Morgan Stanley ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple trên các mẫu iPhone có dung lượng lưu trữ cao nhất cao hơn 10-15% so với các mẫu có dung lượng thấp nhất. Nếu Apple có thể thúc đẩy người dùng mua các mẫu có dung lượng cao hơn, hãng sẽ có dư địa để hấp thụ chi phí thuế quan.

Các nhà phân tích cũng cho rằng điều này có thể hiệu quả nếu Táo khuyết sản xuất các mẫu có dung lượng cao hơn ở Trung Quốc, đồng thời tăng cường đáng kể sản lượng iPhone ở Ấn Độ. Apple hiện được cho là đang hướng tới mục tiêu sản xuất 25% tổng số iPhone tại Ấn Độ, và Morgan Stanley tin rằng công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ này.

Camera tốt hơn nhưng thiếu dung lượng

Một câu hỏi khác đặt ra là vì sao các hãng không trang bị dung lượng lớn hơn cho các mẫu điện thoại giá rẻ để người dùng không phải chi quá nhiều tiền? PhoneArena nhận định, câu trả lời có thể nằm ở việc các nhà sản xuất cố tình giữ lại những tính năng cao cấp để tạo sự khác biệt cho dòng flagship, và tính năng quan trọng nhất chính là camera.

Các mẫu điện thoại giá rẻ hầu như không có camera chất lượng cao. Đặc biệt, camera tele, một thành phần được cho là không quá đắt đỏ để sản xuất, lại hiếm khi xuất hiện trên phân khúc này.

Hristov nhận xét, chiến lược này nhằm buộc những người dùng coi trọng chất lượng ảnh chụp phải chuyển sang mua các mẫu điện thoại đắt tiền hơn, thường có giá từ 1.000 USD trở lên.

 Màn hình quản lý dung lượng trên iPhone. Ảnh: Digital Trends.

Màn hình quản lý dung lượng trên iPhone. Ảnh: Digital Trends.

Tuy nhiên, khi người dùng đã chấp nhận chi tiền cho một chiếc flagship với camera tốt, họ lại tiếp tục đối mặt với tình trạng "khan hiếm dung lượng lưu trữ".

Theo Hristov, việc các nhà sản xuất giới hạn dung lượng bộ nhớ cơ bản trên các mẫu đắt tiền để khuyến khích hoặc buộc người dùng phải chi thêm khoản tiền lớn cho các tùy chọn dung lượng cao hơn, tất cả chỉ nhằm "tối đa hóa lợi nhuận".

Một quan điểm cho rằng lẽ ra thị trường đã có thể xuất hiện những chiếc điện thoại có camera tốt với giá dưới 500 USD. Tuy nhiên, thay vì giảm giá bán, ngành công nghiệp smartphone lại có xu hướng duy trì và tăng lợi nhuận bằng cách tăng giá và áp đặt chi phí cao cho các nâng cấp bộ nhớ mỗi năm.

Hiện tại, cách phổ biến để người dùng có đủ dung lượng và giảm bớt áp lực chi phí là chấp nhận trả thêm tiền cho tùy chọn bộ nhớ cao hơn ngay từ đầu, và cố gắng sử dụng thiết bị trong thời gian dài nhất có thể. Tuy nhiên, vấn đề giá bộ nhớ vẫn là một điểm gây tranh cãi và bất mãn trong cộng đồng người dùng smartphone.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/cu-lua-cua-apple-va-samsung-ve-dung-luong-luu-tru-dien-thoai-post1551703.html