Ai có thể tồn tại và không thể tồn tại trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Theo tác giả Tomoe Ishizumi, những người thuộc kiểu 'chuyên môn hóa', 'thích ứng' và 'tổng hợp' sẽ tồn tại trong tương lai.

 Những người thuộc kiểu “chuyên môn hóa” sẽ tồn tại trong thời đại AI. Nguồn: whatech.

Những người thuộc kiểu “chuyên môn hóa” sẽ tồn tại trong thời đại AI. Nguồn: whatech.

Ba kiểu người sẽ tồn tại

Khi suy nghĩ về những kỹ năng cần thiết để trở thành người có thể tồn tại trong thời đại AI, tôi đã tham khảo ba kiểu người được mô tả trong quyển sách Thế giới phẳng, một tài liệu cũng khá cũ của Thomas Friedman (xuất bản 2005).

Trong cuốn sách của mình, Thomas Friedman đã viết rằng, có ba kiểu người có thể tồn tại trong tương lai. Tôi cho rằng ba kiểu người được trình bày ở đây khá giống với những kiểu nhân lực cần thiết trong thời đại AI.

Một là kiểu “chuyên môn hóa. Những người có kỹ năng chuyên nghiệp và chuyên môn cao không thể thay thế được. Ví dụ như những người tạo ra được sản phẩm và thị trường của riêng mình mà không ai có thể bắt chước. Những người nổi tiếng như nghệ sĩ, vận động viên, những nhà nghiên cứu, bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư ở Trung tâm Ung thư Quốc gia là ví dụ về những người có kỹ năng mà AI không thể dễ dàng học được.

Tiếp theo là kiểu “người thích ứng” hay còn được gọi là “bộ chuyển đổi tuyệt vời”. Đây là những người có trình độ kỹ thuật cao và có thể thích ứng với nhiều môi trường khác nhau nhờ việc họ luôn suy nghĩ về sự thay đổi của nhu cầu thị trường.

Điều thú vị ở chỗ cuốn sách đã viết rằng, dù kỹ năng có cao đến đâu mà tầm nhìn hạn hẹp thì cũng sẽ bị đào thải. Những người có tay nghề và khả năng thích ứng cao sẽ tồn tại.

Và cuối cùng là kiểu “tổng hợp” được gọi là "Synthesizer"(1). Đây là nguồn nhân lực có khả năng giao tiếp cao, có thể tập hợp nguồn nhân lực từ các ngành khác nhau. Bản thân tôi cũng cảm thấy “kiểu tổng hợp” sẽ là một kỹ năng được yêu cầu trong thời đại AI sắp tới.

Đó là vì khi công việc được tự động hóa nhiều hơn bằng AI, yêu cầu còn lại là suy nghĩ về cách chuyển đổi dữ liệu thu được từ AI thành giá trị và kết nối nó với doanh nghiệp.

Đây chính xác là công việc của “kiểu tổng hợp” và là vai trò của các nhà thiết kế kinh doanh AI).Tôi tin rằng giá trị của MBA sẽ cao hơn trong tương lai. Các chương trình MBA gần đây thường đưa ra những bài học gắn với công nghệ và khởi nghiệp, điều này sẽ giúp cho “kiểu tổng hợp” có thể trang bị thêm nhiều kiến thức hơn.

Ý nghĩa của vị trí “CBO” ở Mỹ

Tôi sẽ nói về vị trí CBO (Chief Behavioral Officer - Giám đốc Thương hiệu), đang thu hút sự chú ý ở Mỹ trong thời gian gần đây. CBO là người có vai trò cầu nối giữa cộng đồng kỹ thuật và cộng đồng doanh nghiệp, sử dụng kiến thức về tâm lý học, khoa học hành vi của mình để vạch ra chiến lược marketing cho công ty. Ngoài ra, CBO cũng có vai trò kiểm tra giả thuyết đó bằng cách sử dụng dữ liệu và AI. Đây cũng là một nghề mới ra đời trong thời đại AI, chính là công việc của “kiểu tổng hợp” mà tôi đã nói ở trên.

Tôi sẽ giải thích dựa theo ví dụ sau.

Một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tên là Lemonade có trụ sở tại New York. Công ty này được thành lập năm 2015, nhưng nó đang thu hút nhiều sự chú ý vì được đầu tư bởi Softbank cùng công ty đầu tư hàng đầu ở Thung lũng Silicon là Sequoia Capital và Thrive Capital.

Lý do công ty bảo hiểm này thu hút đầu tư là vì Lemonade đã tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá trong ngành bảo hiểm bằng cách kết hợp nghiên cứu lý thuyết ra quyết định và kinh tế học hành vi để lý giải hành vi của con người. Lemonade là công ty đã phát triển hệ thống BOT (Build - Operate - Transfer: Công nghệ Hệ thống Giải pháp bảo mật) sử dụng AI để tiến hành thẩm định hồ sơ chỉ trong vài giây.

Tất cả các xử lý khiếu nại cũng được thực hiện bởi AI. Ngoài ra, nhân viên bảo hiểm không cần đến nhà để kiểm tra nội dung khiếu nại và tình hình thiệt hại. Các thuật toán để ngăn chặn phán đoán sai lầm và gian lận bảo hiểm đang được phát triển, nhờ vậy mà chi phí bồi thường giảm một cách triệt để. Do đó, giá bảo hiểm được ấn định chỉ bằng khoảng 1/4 so với bảo hiểm phi nhân thọ thông thường, chẳng hạn như bảo hiểm phi nhân thọ dành cho người thuê nhà là 5 đôla một tháng.

Thay vì tận dụng triệt để AI để giảm thiểu chi phí cho con người, Lemonade tiến hành đầu tư vào các nghiên cứu dựa trên kinh tế học hành vi và cơ chế tạo động lực vận dụng các nghiên cứu ấy. Lemonade đã mời giáo sư tâm lý học Dan Ariely của Đại học Duke, với tư cách là CBO, đề xuất mô hình kinh doanh loại bỏ xung đột lợi ích giữa công ty bảo hiểm và khách hàng, tạo ra khái niệm “Bảo hiểm xã hội”.

Đây là một cơ chế trong đó phí bảo hiểm khách hàng không yêu cầu bồi thường sẽ không được bảo lưu dưới dạng lợi nhuận mà chuyển sang đóng góp cho tổ chức NPO hoặc các tổ chức khác do khách hàng yêu cầu.

Bằng cách chuyển lợi nhuận thành các khoản quyên góp, khách hàng sẽ cảm thấy rằng “bản thân có ích cho xã hội”. Điều này thúc đẩy khách hàng không đề xuất các khoản thanh toán bảo hiểm bất chính. Kết quả là việc yêu cầu thanh toán giả từ khách hàng ngày càng giảm. Sức mạnh của Lemonade không chỉ nằm ở việc áp dụng AI, mà còn ở mô hình kinh doanh được phát triển dựa trên sự hiểu biết khoa học về cơ chế tạo động lực của con người. Chính vì vậy, họ có điểm mạnh mà các công ty khác không thể bắt chước, và họ có thể tạo ra được mô hình khiến khách hàng không bỏ đi.

Trong nhiều trường hợp, thay đổi mô hình kinh doanh là điều kiện bắt buộc để mang lại sự đổi mới. Và một trong những yếu tố không thể thiếu để cải cách mô hình kinh doanh chính là sự kết hợp của lĩnh vực khác như kinh tế học hành vi và AI giống như Lemonade đã áp dụng. Tương tự CBO, các ngành nghề đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng kỹ thuật và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

----------------

1. Synthesizer là một nhạc cụ điện tử tạo ra tín hiệu điện, sau đó được chuyển đổi thành âm thanh thông qua amplifiers và loa hoặc tai nghe.

Tomoe Ishizumi / Thái Hà Books - NXB Công thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-co-the-ton-tai-va-khong-the-ton-tai-trong-thoi-dai-tri-tue-nhan-tao-post1414912.html