Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc!

Mẹ mất, anh vĩnh viễn không còn được gọi 'mẹ' – tiếng gọi thân thương, không còn được nghe, được ngắm nhìn hình hài thân thương của mẹ và không còn được cơ hội sửa sai.

Mấy ngày hôm nay vợ chồng anh Nam tất bật chuẩn bị đám giỗ đầu cho mẹ. Chồng cặm cụi viết thiệp, vợ tính toán các món ăn cho bữa cỗ sao cho thịnh soạn, xứng tầm với cương vị của chồng để khách khứa không chê trách.

Cỗ bàn đã bầy sẵn. Mặt trời đã dần đứng bóng, nhưng lượng khách tới dự đám giỗ đầu mẹ anh chỉ lèo tèo vài người, dường như họ đến dự cho có lệ vì nể anh. Họ ăn uống qua loa lấy lệ rồi cáo từ ra về. Đám giỗ diễn ra chóng vánh đến bất ngờ, để lại sau lưng hơn 20 mâm cỗ chưa ai cầm đũa. Nhìn những mâm cỗ còn ế, ú hụ thức ăn sang trọng, đồ uống đắt tiền, vợ chồng anh héo như tàu lá “không ngờ lại nhiều đến như vậy, tốn biết bao nhiêu tiền” rồi huy động con cháu san sẻ cỗ đem đi cho mỗi nhà một ít gọi là “lộc” của bà.

Vợ chồng bà Hương sinh được ba người con, hai gái một trai. Hai người con gái làm ăn sinh sống ở quê nhà Thái Bình. Người con trưởng tên Nam công tác và lập nghiệp ở miền Nam. Sau khi chồng mất được vài năm, theo tục lệ bà vào ở với con trưởng là vợ chồng Nam. Cứ nghĩ sẽ được hạnh phúc bên con cháu lúc về già, nhưng không, cái cảm giác hạnh phúc ấy trôi đi mau chóng trong vài tháng đầu bà mới vào. Những ngày tháng sau đó là chuỗi ngày cực hình với bà. Bà luôn phải nghe những lời chì chiết, hắt hủi của con dâu, thái độ thờ ơ của con trai. Trong bữa cơm bà làm rơi vãi vài hạt thì bị con dâu nguýt “hạt cơm là hạt ngọc, chó, mèo cũng không để vãi”. Bà nghe mà miệng đắng ngắt, nước mắt chan cơm. Bà đâu có muốn làm rơi vãi đâu, tuổi già, tay bị run nên mới bị như vậy.

Sau này, mỗi khi ăn cơm vợ chồng con bà dọn cho bà một mâm riêng. Mỗi khi nhà có tiệc tùng đãi khách bà toàn phải ăn ở dưới bếp hoặc trong phòng riêng. Nhiều đêm bà ôm gối khóc thầm cầu khấn ông phù hộ và hiểu cho bà, bà sẽ chẳng có dịp để hằng ngày lau dọn bàn thờ thắp hương cho ông, thôi thì tất cả là ở cái tâm, cũng chẳng còn bao lâu nữa là bà về với ông, còn bây giờ bà phải về nơi mà ông và bà đã gắn bó cả cuộc đời nuôi các con khôn lớn. Về quê.

Nhưng về quê thì bà ở đâu khi nhà đã bán từ lâu? Ở với con gái thì liệu có tiện? Rồi người ta sẽ nghĩ như thế nào về con trai bà khi bà bỏ về?... Bà già và gầy đi trông thấy, những nếp nhăn đan vào nhau như chân chim, bàn tay khẳng khiu xúc từng muỗng cơm chậm chạp rơi vãi tung tóe đã khiến cho cô con dâu khó chịu ra mặt “bà có ăn được cơm không thì ăn, nếu không từ mai lấy cơm cho vào máy sinh tố xay cho nhuyễn mà ăn”.

Một lần bà đánh bạo điện về cho con gái kể rõ sự tình. Hai mẹ con khóc nghẹn ngào trong điện thoại. Con gái mời bà về sống với vợ chồng chúng nó, dẫu kinh tế cũng chẳng khá giả gì nếu không nói là túng thiếu.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà quyết định về quê với lý do “mẹ ở đây không quen, suốt ngày quanh quẩn ở trong nhà tù túng quá. Về quê ở với em gái con, có xóm giềng thân tộc với mảnh vườn nho nhỏ mẹ thấy vui hơn”.

Về quê, bà ở với con gái được ba năm thì theo ông về với tổ tiên.

Mẹ mất, anh vĩnh viễn không còn được gọi “mẹ” – tiếng gọi thân thương, không còn được nghe, được ngắm nhìn hình hài thân thương của mẹ và không còn được cơ hội sửa sai.

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không!

Khi anh hiểu ra thì đã muộn!

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ai-con-me-xin-dung-lam-me-khoc-a3162.html